Vấn đề sức khoẻ tâm thần của trẻ: Cần có cái nhìn đa chiều

Trong đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em bị tổn thương sức khỏe tâm thần; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác, điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời.

PV Phan Hằng: Thưa bà, bà nhận định như thế nào về vấn đề sức khỏe tâm thần đối với học sinh trong bối cảnh hiện nay?

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với tác động của các biện pháp giãn cảnh xã hội thì dường như vấn đề sức khoẻ tâm thần học sinh đang đặt ra yêu cầu cần có nhìn nhận toàn diện hơn. Trước hết là áp lực với học sinh, xuất phát từ những kỳ vọng của gia đình. Thứ hai là nhà trường. Quá trình triển khai hoạt động dạy học đang có một vấn đề mà xã hội quan tâm là bệnh thành tích. Bệnh thành tích đang tạo ra những áp lực cho thầy trò. Mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những áp lực tâm lý cho trẻ em khi mà học sinh học online thì cơ hội các cháu tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều, khiến các trang mạng ảnh hưởng rất lớn tới học trò, từ đó tạo ra những rối loạn tâm lý và hệ quả của nó là những câu chuyện đau lòng đã xảy ra như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua”.

PV Phan Hằng: Trước thực trạng đáng lo ngại như bà vừa cho biết thì theo bà, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào để chăm sóc tốt sức khỏe tinh thần cho học sinh?

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Để giải quyết được vấn đề hậu COVID-19, cần có các giải pháp tức thời. Với gia đình, bố mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn tới con của mình. Với nhà trường, hiện nay ngành giáo dục đang cho các cháu đi học trực tiếp. Việc bảo đảm được chất lượng giáo dục sau khi các cháu học trực tuyến, hỗ trợ thêm kiến thức cho các cháu rất cần thiết nhưng bên cạnh đó thì nhà trường cũng cần quan tâm tới sức khỏe tâm thần cho các cháu, có những hỗ trợ về mặt tâm lý để các cháu không quá áp lực. Hoặc khi những câu chuyện đau lòng xảy ra, cần truyền thông thế nào, truyền thông ở mức độ nào để không vi phạm đến quyền riêng tư của các cháu cũng như không tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội. Cần tính đến trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước. Điều cơ bản nhất mà mỗi một gia đình, mỗi một nhà trường và cả xã hội đó là hãy yêu thương con trẻ và hãy giúp cho con trẻ biết tự yêu thương chính mình”.

PV Phan Hằng: Chúng tôi được biết chiều mai (8/4) thì Ủy ban sẽ tổ chức Tọa đàm chuyên gia bàn giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với học sinh. Bà có thể cho biết mục tiêu và sự kỳ vọng của ủy ban sau tọa đàm này?

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chúng tôi kỳ vọng, thông qua diễn đàn này sẽ có một cái nhìn đa chiều, làm sao để chúng ta xem xét vấn đề này mà không quá đặt nặng vấn đề nghiên cứu nhưng phải tìm ra được những nguyên nhân và phải chỉ ra được những giải pháp trước mắt, những giải pháp lâu dài để từ đó chúng ta có những tác động đến cơ chế, chính sách hay là tác động đến những giải pháp để giải quyết vấn đề, giúp cho học sinh có thể đảm bảo sức khoẻ tâm thần tốt nhất. Với Ủy ban, hoạt động tọa đàm này là một trong những chức năng nhiệm vụ là được lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn và từ đó có đề xuất, kiến nghị sát với thực tiễn hơn”.

PV Phan Hằng: “Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam!”

Phan Hằng