Tổ chức hội người cao tuổi thông suốt từ Trung ương đến cơ sở

Hiện nay, trong hệ thống tổ chức hội người cao tuổi đang tồn tại 2 mô hình: Với 13 địa phương thực hiện thí điểm mô hình hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện; và 50 địa phương đang hoạt động theo mô hình ban đại diện hội người cao tuổi. Sự chưa thống nhất này đòi hỏi cần có tổ chức hội người cao tuổi thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đây cũng là nội dung chính của hội nghị trực tuyến toàn quốc "Quán triệt, triển khai Kết luận số 58 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam" diễn ra sáng nay 12/9.

Thực tiễn cho thấy, vẫn còn một số nơi, số ít cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác người cao tuổi và hoạt động hội; hiệu quả công tác hội và phong trào người cao tuổi ở một số hội/ ban đại diện chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng, vai trò người cao tuổi (NCT) trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội, của địa phương; có nơi bố trí cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong tình hình mới, cần phải có tổ chức hội NCT thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, Kết luận 58 của Ban Bí thư cho chủ trương thành lập tổ chức hội thống nhất đủ 4 cấp đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, hội viên NCT cả nước.

Các tham luận phát biểu tại hội nghị tiếp tục nhấn mạnh, việc chuyển đổi ban đại diện hội NCT thành hội NCT có ý nghĩa quan trọng theo cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động. Tuy nhiên, để triển khai kết luận 58 của Ban Bí thư đạt hiệu quả cần sự quan tâm của các ban, bộ ngành trung ương, các cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là đối với vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp hội NCT, cũng như vấn đề kinh phí, chế độ cho cán bộ hội hoạt động.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Thảo -

Thế Anh