• 1224 lượt xem
  • 03:29 27/01/2023
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 - đáp án từ giải ngân vốn đầu tư công, FDI, kiểm soát lạm phát

Với mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 8,02%, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí một trong các nền kinh tế có tốc tăng trưởng nhanh nhất châu Á và trên thế giới. Bước sang năm 2023, đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, tác động đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều động lực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Và một trong những yếu tố được coi là "chìa khóa" tăng trưởng, đó là sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng. Nhiều địa phương đang thay da đổi thịt nhờ chiến lược đẩy mạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật xã hội tốt. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển. 

Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2022 đến hết tháng 3 năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với con số 13,17% cùng kỳ năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đạt 27,75% . Đến hết tháng 9/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 46,7% kế hoạch. Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 tăng khoảng 16%. Bước vào những tháng cuối năm, giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch, với 436.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều ý kiến kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công sẽ là 1 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay, dù còn nhiều khó khăn. 

Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công, thì thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Dự báo năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỷ USD vốn FDI. Để làm được điều này, t heo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến những đòi hỏi từ các nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến thể chế, hướng đến thu hút FDI chất và lượng.

Một yếu tố quan trọng mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đề cập đến trong năm 2023, đó là lạm phát. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là kết quả đáng tự hào trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Đóng góp vào thành tích này là do giá lương thực thực phẩm được giữ ổn định. Giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện không tăng. Cùng với đó việc giảm một số loại thuế đã góp phần giữ lạm phát luôn trong tầm kiểm soát. Nếu lạm phát bùng lên, thành quả kinh tế sẽ khó giữ được chứ chưa nói đến tăng trưởng "thần kỳ".

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Lê Hương