Tiêu điểm: Tái chế để hồi sinh rác nhựa

Theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ, trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái mỗi năm, trong khi phát thải khí nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải CO2. Trước thực trạng đó, các quốc gia trên thế giới đã kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa toàn cầu.

Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã cam kết hành động mạnh mẽ với việc đưa ra 3 mục tiêu quản lý chất thải nhựa là: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến chống rác thải nhựa vẫn là cuộc chiến cam go.

Với thói quen khó bỏ của người dân trong sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, mỗi ngày có tới 70 nghìn tấn
chất thải rắn sinh hoạt được thải ra ở đô thị và nông thôn. Nhưng đáng nói, có tới trên 70% lượng rác thải được
xử lý bằng công nghệ chôn lấp gây tác động xấu đến môi trường. Điều này cho thấy quản lý chất thải nhựa
không chỉ trông chờ vào giảm thiểu sử dụng, mà việc xử lý rác như thế nào sau thải bỏ, cũng là câu chuyện đáng bàn.

Rác thải không mang chôn lấp mà được dùng để đốt phát điện – đây được coi là một trong những hình thức xử lý rác thải nhiều nước đang áp dụng hiện nay. Với công nghệ tiên tiến, nhà máy này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3000 tấn rác, trong đó khoảng 2400 tấn được đốt. Như vậy, trung bình một ngày có thể xử lý được gần 1 nửa lượng rác thải rắn sinh hoạt của thành phố Hà Nội.

Hay nếu như, rác nhựa được hồi sinh đi con đường mới là tái chế, vòng đời của sản phẩm nhựa sẽ được kéo dài hơn, tiết kiệm nguồn tài nguyên, thu được cả lợi ích về kinh tế và môi trường. Tại nhà máy này, mỗi ngày hơn 130 tấn rác thải nhựa được tái chế, phần lớn trong đó là túi nilon dùng một lần. Các loại nilon hầu hết đều được doanh nghiệp tái chế triệt để, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Những sản phẩm tái chế từ nhựa hiện nay rất đa dạng như: chậu, móc áo, thậm chí là cả gạch ngói...trở lại phục vụ rất hữu ích cho đời sống. Ít ai nghĩ rằng, ngôi trường này được xây 100% bằng gạch tái chế, giúp giảm phát thải 115 tấn nhựa ra môi trường.

Có thể thấy, tái chế góp phần quan trọng trong việc giảm ô nhiễm từ rác thải nhựa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được giải quyết để tận dụng, xử lý rác nhựa hợp lý, hướng tới phát triển bền vững. Cái khó nằm ở chỗ, hiện nay tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn ở nước ta rất thấp, khiến cho hoạt động xử lý rác hay tái chế kém hiệu quả. Nhiều người tiêu dùng cũng chưa mặn mà với các sản phẩm tái chế do giá thành cao nên còn khó thu hút thị trường. Đây chính là những rào cản lớn.

Theo các đánh giá, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ tái chế nhựa rất thấp chỉ đạt mức 33%. Trong bối cảnh chưa thể “nói không” với sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm xây dựng kinh tế tuần hoàn chống rác thải nhựa.

Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 20 nước có lượng rác thải hàng đầu thế giới, các giải pháp nhằm đối phó với vấn nạn rác thải nhựa đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Làm thế nào để giải quyết xuyên suốt bài toán giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế nhựa một cách bền vững, hiệu quả, không gây áp lực lên môi trường? Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Thanh Bái –Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất, Hội Hóa học Việt Nam. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!