Tiêu điểm: “Lỗ hổng” thị trường trái phiếu nhìn từ vụ việc Tân Hoàng Minh

Việc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (SSC) quyết định huỷ bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng của các công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh do thiếu minh bạch thông tin đã phơi bày những lỗ hổng về mặt quản lý của thị trường trái phiếu Việt Nam: “Không tài sản đảm bảo”, “Không xếp hạng”, “Không bảo lãnh thanh toán”.

Trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào việc vay vốn tín dụng, đặc biệt sau khoảng thời gian dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, thủ tục để phát hành trái phiếu riêng lẻ vô cùng đơn giản, thậm chí không cần báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu tài chính hay công khai thông tin về cấu trúc phát hành hay kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Chính những điều kiện “thông thoáng” đã thành “lỗ hổng” trong mặt pháp lý khi một bộ phận nhỏ doanh nghiệp lợi dụng việc này để huy động vốn sai mục đích.

Ông ĐỖ BẢO NGỌC, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết: “Hiện tại, việc giám sát phát hành thuộc về đơn vị tư vấn phát hành, là công ty chứng khoán, cũng như báo cáo Uỷ ban Chứng Khoán nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế để giám sát trực tiếp vẫn chưa có, đó là lý do vẫn có những doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích.”

Ông CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV: “Vấn đề ở đây là thông tin, số liệu vẫn còn thiếu công khai, minh bạch. Trách nhiệm của các bên liên quan cũng chưa được làm rõ. Ví dụ: tư vấn, phát hành, bảo lãnh phát hành, phân phối, quản lý tài sản đảm bảo...Vì vậy, có một bộ phận doanh nghiệp làm ăn thiếu đứng đắn, dù nhỏ thôi.”

Dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ra rằng, Công ty Cung điện mùa đông thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động thành công 3,230 tỷ đồng ở lô phát hành ngày 16/12/2021 dù không nêu rõ mục đích phát hành. Nhiều chuyên gia đặt ra nghi vấn, liệu doanh nghiệp có sử dụng trái phiếu làm công cụ để đảo nợ, dùng tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước, tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ domino như đa cấp biến tướng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Hay nhiều doanh nghiệp đã bán giấy thu tiền với khối lượng lớn, lãi suất cao, vượt quá năng lực tài chính, tạo ra tài sản ảo.

Liên tiếp các trường hợp xử phạt bán chui trái phiếu và sử dụng không rõ mục đích của các doanh nghiệp có tiếng tăm như VSET GROUP, APEC hay mới đây là Tân Hoàng Minh đặt ra câu hỏi, liệu quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ như thế nào trong những trường hợp uy tín của doanh nghiệp không được sử dụng như tài sản đảm bảo nữa.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC. Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Nếu doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi suất chậm trả theo thoả thuận và theo quy định của pháp luật. Không có thoả thuận sẽ trả 10%/năm theo quy định của khoản 2 Điều 357 về trách nhiệm theo chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu doanh nghiệp không trả, trái chủ có thể khởi kiện ra toà án, nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng trả nợ thì bản thân chủ doanh nghiệp có thể tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản để trả nợ.”

Mặc dù luật hiện hành có quy định rõ ràng về trường hợp chậm trả nợ, nhưng chưa có điều kiện về khoảng thời gian trả nợ. Nên thời gian trả nợ sẽ theo thoả thuận giữa doanh nghiệp và các trái chủ. Trong trường hợp của tập đoàn Tân Hoàng Minh, phía ban lãnh đạo chưa đưa ra được lộ trình trả tiền cho khách hàng như đã cam kết trước đó, mà chỉ hứa trên mặt báo rằng sẽ bán những dự án đầy tiềm năng để kiếm tiền. Hiện nhà đầu tư chỉ có cách ôm hy vọng, mong sẽ có thể lấy lại khoản tiền tích luỹ/tiết kiệm của mình sớm nhất có thể.

Phạm Kiên