Tiền điện có tăng bất hợp lý khi thay đổi lịch ghi chỉ số?

Tại Hà Nội, thời điểm chốt số cho kỳ tính giá điện tháng 1/2024 lẽ ra từ ngày mùng 3 đến ngày 20 tháng 2 tùy mỗi quận, huyện. Nhưng việc điều chỉnh lùi toàn bộ thời điểm chốt số vào ngày 29 tháng 2 đã khiến số ngày trong kỳ tính giá điện tháng 1 tăng lên: thay vì 31 ngày thành từ 40 đến 57 ngày. Không ít người dùng điện băn khoăn, liệu tiền điện có bị tăng bất hợp lý do sự điều chỉnh này hay không?

Số ngày trong kỳ tính giá tăng lên khiến số điện và theo đó tiền điện kỳ này cũng tăng lên. Vấn đề là tiền điện được tính theo đơn giá bậc thang tăng dần. Nhiều người dùng điện lo ngại việc số điện tăng lên theo kiểu tính gộp 2 tháng sẽ khiến số điện rơi vào bậc cao.

Trả lời thắc mắc của người dùng điện, EVN Hà Nội cho biết, để đảm bảo không ảnh hưởng quyền lợi của người dùng điện, số điện hạn mức của mỗi bậc thang tính giá điện được điều chỉnh theo tỷ lệ số ngày kỳ điều chỉnh/số ngày kỳ thông thường.

Đơn cử, với trường hợp số ngày sử dụng điện lớn nhất là 57 ngày (gồm 31 ngày tháng 1 và 26 ngày tháng 2). Thì tỷ lệ điều chỉnh sẽ là 57/31 = 1,84. Khi đó hạn mức bậc thang theo thực tế sẽ đồng loạt tăng lên thêm 1,84 lần.

Cùng với băn khoăn về hạn mức số điện theo bậc thang, người dùng điện cũng đặt vấn đề tại sao lại tính tiền điện gộp 2 tháng thay vì tính riêng tháng 1 và những ngày còn lại của tháng 2 để người dẫn dễ hiểu, dễ theo dõi hơn?

Cũng theo EVN Hà Nội, tiền điện kỳ này tăng cao là do trùng vào tháng Tết và số ngày rét đậm nhiều, người dân dùng sưởi tăng lên do đó điện tiêu thụ cũng nhiều hơn. Với những trường hợp tăng bất thường, nhân viên điện lực sẽ đến tận nhà hỗ trợ kiểm tra, tìm kiếm nguyên nhân. Với hệ thống đo đếm điện tử hiện nay, người dùng điện có thể kiểm tra trực tuyến lịch sử dùng điện để từ đó minh bạch hơn nguyên nhân làm tăng tiền điện. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Xuân Tiến -

Hoàng Minh