Thời hạn 5 năm giấy phép hành nghề y, bác sĩ: Quốc hội sẽ quyết thế nào?

Vào sáng 13/6, Quốc hội sẽ thảo ở hội trường về dự án Luật Khám chữa bệnh 'sửa đổi’. Trước đó, Dự án này đã được thảo luận tại tổ với nhiều điểm mới. Trong đó quy định phải kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm đang nhận được sự quan tâm nhiều đại biểu và các y, bác sĩ trong ngành.

Theo dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) những chức danh như bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh... sẽ phải kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề với thời hạn 5 năm. Nhiều đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh giấy phép hành nghề, kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề hay thẩm quyền thu hồi, đình chỉ giấy phép hành nghề cần làm rõ.

Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Đề nghị bỏ quy định tại điểm đ, khoản 1, quy định hồ sơ cấp mới giáy phép hành nghề giấy tờ chứng minh không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề. Quy định này không rõ ràng và không ai có thể chứng minh được là mình đang nằm trong trường hợp cấm hành nghề”.

Bà TRẦN THỊ HOA RY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Tôi thấy trong tờ trình chỉ nêu 2 phương án, chưa phân tích rõ mặt được và chưa được của hai phương án. Là người ngoại đạo không trong nghề, tôi thấy rất khó để lựa chọn phương án, trong khi đó chính phủ chính ra thì chính phủ cũng chưa thể hiện quan điểm là chọn phương án nào. Như vậy vấn đề đặt ra là khi trình ra, có ý kiến thông qua thường vụ thìnên khẳng định là để tiếp thu được những nội dung gì trong đó”.

Việc đưa ra quy định mới này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, y bác sĩ hiện đang hành nghề y trong nước.

Bác sỹ MAI VĂN LỰC, Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: “Theo tôi, không nhất thiết phải có thời hạn 5 năm bởi vì người bác sĩ lúc nào cũng phải cập nhật kiến thức và tự học là chính cả về kiến thức và tay nghề để phục vụ tốt cho người dân. Còn về vấn đề thi cử, tôi nghĩ cũng là cần thiết vì nó cũng là một bước đánh giá nhưng làm sao các kỳ thi đó phải đánh giá cái năng lực chứ không phải tổ chức kỳ thi cho thêm áp lực”.

Bác sỹ NGUYỄN THỊ HOA - Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai: “Theo tôi, việc cấp chứng chỉ 5 năm một lần là không cần thiết vì rất tốn kém về kinh tế. Hơn nữa, ở cơ quan chúng tôi hàng năm cũng tổ chức sát hạch năng cao tay nghề nên điều đó là không thực sự cần”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc siết chặt cấp chứng chỉ hành nghề y và cấp có thời hạn 5 năm sẽ phản ánh thực chất chất lượng hành nghề khám chữa bệnh. Vì khi một bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được đào tạo chuyên sâu, chắc chắn kỹ năng thực hành y khoa sẽ được nâng cao. 

Ông NGUYỄN QUANG TRUNG - Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội: “Việc cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm là phù hợp. Vì đối với một bác sĩ, cấp chứng chỉ một lần rõ ràng là rất khó. Vì định kỳ làm sau 5 tổ chức cấp lại để đảm bảo làm sao điều kiện sức khỏe khám bệnh cũng như nâng cao trình độ chuyên môn”. 

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 30.000 nhân sự y tế tốt nghiệp và hơn 300.000 nhân viên y tế đang có chứng chỉ hành nghề. Nếu quy định cứ 5 năm phải cấp lại giấy phép một lần, điều này tạo ra áp lực cho công tác tố chức. Do vậy, vấn đề này vẫn đang được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong dự án luật “sửa đổi” vào ngày 13/6.

Hà Lan