Thời gian gửi tài liệu kỳ họp cần sớm hơn 15 ngày

Thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng cần tăng thời gian cho câu hỏi tranh luận tại phiên toàn thể. Bên cạnh đó, thời hạn gửi tài liệu là các Tờ trình dự thảo Nghị quyết cần sớm hơn thời hạn gửi Báo cáo thẩm tra, bởi khi có Tờ trình, các cơ quan mới tiến hành thẩm tra, nên báo cáo này cũng được xây dựng muộn hơn.

Về nội dung chất vấn, theo đại biểu không nên có phương án tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, vì vậy cần quy định rõ ràng chỉ có  tranh luận giữa đại biểu và người bị chất vấn. Đại biểu cũng đề nghị tăng thời gian cho câu hỏi phần tranh luận.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Hỏi thì 1 phút, trả lời 3 phút, tranh luận 1 phút nữa. Tôi đề nghị chỗ này ít nhất phải 2 phút. Ai muốn tranh luận, người ta nói 3 phút thì mình ít nhất phải có 2 phút hoặc ít nhất phải bằng 3 phút. Tôi không hiểu tranh luận 1 phút thì làm thế nào?" .

Bà HOÀNG THỊ QUỲNH CHI, Vụ trưởng Vụ Pháp chế , Viện kiểm sát nhân dân tối cao: “Tranh luận 1 phút không khả thi, 1 phút nói 60 từ, với người nói nhanh như máy khâu, không khả thi, đề nghị cân nhắc”.

Có ý kiến cho rằng, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề.

 Ông ĐỒNG NGỌC BA, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Trong đặt câu hỏi hay chưa đặt câu hỏi vẫn có quyền được tranh luận, chúng ta chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận thì chúng ta cần phải có nhiều người tranh luận, mà tôi nghĩ trên thực tế nhiều đại biểu nói lại mà những đại biểu không đặt câu hỏi nhưng người ta nghe người ta tranh luận thì mới tạo nên hội trường sôi động, tạo chiều sâu chuyên môn nội dung tranh luận. Cho nên, các đồng chí bỏ chuyện khống chế, đặt câu hỏi nói chung tham dự phiên họp đó đều có thể tranh luận”.

Về thời hạn gửi tài liệu, đa số đại biểu đề nghị cần quy định thời hạn gửi tài liệu là các Tờ trình dự thảo Nghị quyết cần sớm hơn thời hạn gửi Báo cáo thẩm tra vì hoạt động thẩm tra diễn ra sau khi có Tờ trình chính thức, và vì vậy báo cáo này cũng được xây dựng muộn hơn.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Về thời hạn gửi tài liệu, tôi đề nghị là mặc dù có những trường hợp tài liệu không thể bảo đảm để gửi trước kỳ họp Quốc hội nhưng chúng ta phải xác định đây là những trường hợp hết sức cá biệt và hết sức hạn hữu, tôi vẫn tha thiết hy vọng là Quốc hội dự được quy định về việc gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội trước khi họp cần có thời gian để đại biểu các đoàn đại biểu Quốc hội tham vấn lấy ý kiến của các chuyên gia, của cử tri về các vấn đề sẽ được Quốc hội thông qua, do vậy cần phải gửi sớm để các đoàn ĐBQH có thời gian nghiên cứu”.

Ông NGUYỄN HẢI NAM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Thẩm định nhà máy điện Sơn La chẳng hạn, chúng tôi không biết về điện phải tham vấn ý kiến chuyên gia độc lập mà gộp trong 20 ngày, 20 ngày đó gộp rất nhiều thứ như nút cổ chai, như vậy chúng ta cân nhắc theo hướng giữ 20 ngày”.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng việc quy định chủ toạ có quyền kéo dài hoặc rút ngắn thời gian với người trả lời là không hợp lý bởi nếu kéo dài hoặc rút ngắn thì cần được áp dụng đồng nhất chứ không riêng một đại biểu nào.

Nguyễn Duyên