Thiếu liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp

Phân luồng, hướng nghiệp, thay đổi nhận thức về học nghề đang là nhiệm vụ mà ngành giáo dục tích cực triển khai để quy mô đào tạo cân bằng hơn, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Điều này thể hiện rất rõ qua chương trình GDPT mới, học sinh học các môn bắt buộc đến hết lớp 9, sau đó sẽ được tự chọn 1 số môn học phù hợp với định hướng tương lai, hoặc có thể chuyển sang học nghề theo mô hình 9+. Tuy nhiên trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, các chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp lại thiếu vắng do hai hệ thống giáo dục đang được quản lý tách lẻ.

Thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp là mục tiêu mà Chỉ thị 21 của Ban Bí thư đặt ra đến năm 2030. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mục tiêu chưa đạt được một nửa.

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể ở các cấp mầm non, phổ thông, trung học, song chưa thể hiện tính liên thông với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Lý giải về điều này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 định hướng riêng lĩnh vực này. Tuy nhiên, 2 nội dung có liên quan mật thiết lại được tách riêng, thiếu tính liên thông gây nhiều băn khoăn.

Tuy 2 Bộ chủ quản có thể phân tách về trách nhiệm trong quản lý, xong không thể tách rời trong việc phối hợp. Điều này không chỉ cần thể hiện ở Chiến lược, mà còn ở việc tạo điều kiện học tập trong thực tế.

Hiện nay, các địa phương đang có xu hướng đặt chỉ tiêu phân luồng cố định, thay vì thu hút người học học nghề bằng sự tự nguyện. Cần tạo ra cơ hội học tập suốt đời, liên thông từ các mô hình giáo dục nghề nghiệp với các mô hình giáo dục cao hơn mới là giải pháp căn cơ để người học yên tâm lựa chọn học nghề.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Đỗ Minh -

Trương Tùng