Đề thi tốt nghiệp từ năm 2025: Đảm bảo học thật, thi thật

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần phân hóa tốt hơn, các trường ĐH cũng cần sớm công bố phương án tuyển sinh phù hợp với thay đổi của kỳ thi này để các nhà trường và học sinh không bị động. Đó là những vấn đề đặt ra tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Lấy ví dụ từ thử nghiệm cách ra đề thi mới với hơn 10.000 học sinh, cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cho rằng đề thi thể hiện sự phân hóa cao. Cụ thể, có hơn 90% HS đạt điểm trên trung bình; trong đó số điểm phổ biến nhất là 6,5; số HS đạt điểm 8 - 9 giảm dần, đặc biệt số HS đạt điểm tuyệt đối rất ít.

Ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, cũng cho rằng với cấu trúc đề thi mà Bộ công bố thì kết quả sẽ có tính phân loại cao, đáng tin cậy để các trường ĐH căn cứ vào đó xét tuyển, không cần phải có quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực quanh năm để tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị Cục Quản lý chất lượng tiếp thu ý kiến góp ý, xây dựng kế hoạch chi tiết về đề thi minh họa và sớm công bố để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy và học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; các cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu để công bố sớm phương án tuyển sinh.

Lãnh đạo bộ GD&ĐT khẳng định, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức tuyển sinh ĐH giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường ĐH và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

 

Phan Hằng -

Hồng Dũng