Thiếu định hướng sau khai quật, di tích khảo cổ trở thành di tích "chết" - Câu chuyện của di tích Hang Chổ

Di tích khảo cổ được xác định là phần còn sót lại hay là dấu tích, dấu vết của quá khứ tồn tại cho tới ngày nay. Nếu như các nhà khoa học ưa thích di tích khảo cổ học bởi những đặc tính nghiên cứu rất cao thì với đại bộ phận người dân nó lại khó tiếp cận. Vô hình chung đã khiến các di tích trở thành di tích "chết" như di tích khảo cổ Hang Chổ tại tỉnh Hòa Bình là một điển hình.

Phát huy giá trị của các di tích cấp quốc gia, biến các di sản thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội đang là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, trong khi công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích, di sản đang có nhiều vấn đề phải bàn đến.

Nhắc đến nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng có niên đại cách ngày nay 18.000 - 7.500 năm trước Công Nguyên, thì có lẽ không thể không nhắc đến mảnh đất Hòa Bình với những dãy núi đá vôi phân bố trải dài. Thông qua nhiều cuộc khai quật trong hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dấu vết của người tiền sử. Điển hình như tại Hang Chổ, các nhà khoa học đã  thu  được hàng chục nghìn mẫu vật như: Xương động vật, các công cụ đá, công cụ chặt, khẳng định đây là xưởng chế tác công cụ có niên đại cỡ trên dưới 10.000 năm trước đây. Thế nhưng, hang Chổ của hiện tại có gì? Có một khoảng không nhỏ hẹp và những lớp ốc hóa thạch nếu không được giới thiệu cũng không ai biết. Hiện vật khảo cổ ở đâu? Hình dáng như thế nào? Khai quật ra ở vị trí nào? Câu hỏi này có lẽ chỉ có các nhà khoa học mới trả lời được.

GS.TS LÂM THỊ MỸ DUNG – Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN: "Chúng ta sẽ bắt gặp ở Hang Chổ một cái thực trạng giống như rất là nhiều thực trạng khác mà chúng ta bắt gặp ở di tích khảo cổ học của Việt Nam. Và ở đây thì chúng ta thấy rằng đây là một di tích cấp quốc gia, theo lẽ bình thường thì di tích này nó phải được bảo tồn, bảo vệ, phải được tu bổ và thậm chí biến nó thành một cái di sản. Tuy nhiên hiện nay thì chúng ta mới chỉ công nhận theo kiểu cho vào một cái list thôi, và chúng ta biết rằng là nó được bảo hộ dưới một số  luật định. Tuy nhiên di tích mà không được đưa vào sử dụng thì không khác một di tích chết."

Hang Chổ được xếp hạng di tích khảo cổ cấp Quốc gia từ năm 2000, tuy nhiên 22 năm sau, danh hiệu này dường như chỉ tồn tại trên giấy. Trừ những đoàn khách tham quan do xã, huyện đưa xuống, du khách thập phương chủ động tìm đến gần như không có. Và thực tế này không chỉ diễn ra ở Hang Chổ mà còn diễn ra tại nhiều địa điểm di tích khảo cổ khác tại tỉnh Hòa Bình như Hang Xóm Trại hay Mái đá Làng Vành. Rõ ràng những địa điểm này đều là di tích khảo cổ nhưng dấu tích của khảo cổ lại gần như không được lưu giữ tại đây.

GS.TS LÂM THỊ MỸ DUNG – Khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN: "Cái địa điểm nào mà chúng ta cần khai thác, đưa vào phục vụ bà con hoặc đưa vào phục vụ đời sống hiện nay của con người thì chúng ta phải có một cách thức khác, và khi khai quật thì cũng phải khai quật theo một cách thức khác, và các kĩ thuật sử dụng cũng theo một cách thức khác để mà vừa đảm bảo được việc bảo tồn trong điều kiện tự nhiên nhưng cũng phát huy được giá trị của di tích. Rõ ràng là chúng ta đang đứng trước một cái khó trăm bề."

Quay trở lại câu chuyện của Hang Chổ, không chỉ thiếu sự nhận diện bên trong mà ngay ở bên ngoài hang, một tấm biển nhận diện lối vào cũng không có, chưa kể con đường ngập ghềnh đất đá dài cả vài cây số để đến được đây. Và đương nhiên, khi sự thiếu và yếu cùng tồn tại thì việc thu hút du khách là nhiệm vụ bất khả thi.

Ông BÙI ĐỨC THUẬN – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: “Đề nghị với cơ quan các cấp, huyện sở tiếp tục đầu tư, nhất là về qui hoạch, hệ thống đường và khuôn viên của khu vực hang này này, tạo một số cảnh quan trong điều kiện cho phép để cho du khách, bà con thập phương đến để tìm hiểu, nghiên cứu.”

Chưa biết lời đề nghị của xã Cao Sơn liệu có được đáp ứng, nhưng với những gì thực tế diễn ra tại đây thì có lẽ di tích khảo cổ cấp quốc gia Hang Chổ - Hòa Bình sẽ còn phải rơi vào hoàn cảnh "chết lâm sàng" không biết đến bao giờ. 

Minh Quốc