The Economist: Giáo dục Việt Nam nằm trong số tốt nhất thế giới

Theo tờ The Economist (Anh), học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.

Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan, mà cả với Anh và Canada, các quốc gia giàu hơn gấp 6 lần. Ngay cả ở Việt Nam, điểm số của học sinh không thể hiện mức độ bất bình đẳng về giới tính và vùng miền, vốn phổ biến ở các quốc gia khác.

Bài báo chỉ ra rằng, bí mật khác biệt nằm ở lớp học - trẻ em Việt Nam học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Đồng thời nhận định, trường học Việt Nam được cải thiện theo thời gian, không giống như ở các nước đang phát triển khác.

Một lý do nữa giúp học sinh có thành tích tốt là năng lực của giáo viên. Giáo viên Việt Nam được quản lý tốt, đào tạo thường xuyên và được tự do làm cho các lớp học hấp dẫn hơn. Để giải quyết sự bất bình đẳng khu vực, những người dạy ở vùng sâu vùng xa được trả lương cao hơn. Những giáo viên có học sinh học giỏi được khen thưởng danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”.

Theo bài báo, Đảng cũng quan tâm sâu sắc tới giáo dục và đảm bảo các chính sách được điều chỉnh để cập nhật chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Xã hội nói chung cũng chia sẻ quan điểm đề cao giáo dục do các gia đình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Các gia đình không khá giả cũng sẵn lòng đầu tư giáo dục cho con em. 

Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra những thách thức đối với hệ thống giáo dục Việt Nam như: Học sinh Việt Nam không được đào tạo kỹ năng quản lý nhóm, vấn đề quá tải các trường học ở đô thị, nhiều giáo viên bỏ nghề để làm những công việc lương cao hơn trong khu vực tư nhân…

(*) Nguồn: TTXVN

Thúy Hiền