Tháo gỡ khó khăn về tài chính cho hoạt động thuỷ lợi

Sau hơn 5 năm Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành, việc chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Đây là một trong những vấn đề được đề cập tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc dẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Theo số liệu điều tra, đến năm 2021, cả nước hiện có: 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 ngàn m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Hiện nay cả nước có 98 công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 5 công ty thuộc Bộ NN-PTNT.

Các công ty trên có vị trí rất quan trọng trong việc khai thác, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của các công ty quản lý, khai thác thủy lợi còn nhiều tồn tại. Công trình thủy lợi đang xuống cấp, đặc biệt là thủy lợi nội đồng. Nhiều hệ thống thủy lợi hiện nay được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Hệ số sử dụng nước đang ở mức đáng báo động. Bằng chứng là với 1m3 nước, bình quân các nước trên thế giới làm ra được 2 USD nhưng nước ta mới tạo ra được 0,1 USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư cho thuỷ lợi cần được quan tâm. Tuy nhiên cốt yếu là xây dựng được khung giá chuẩn, khi đó mới xã hội hóa được. Đặc biệt, đối với những công trình thủy lợi đa mục tiêu, cách duy nhất hiện nay là đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới có thể huy động nguồn lực xã hội và các nguồn lực khác.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan -

Minh Công