Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Thách thức lớn trong đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã báo cáo Quốc hội một số nội dung chủ yếu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022. Tuy đã có kết quả, nhưng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% vẫn là thách thức.

 Trong năm 2021 đã có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84%; bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% GDP; thu NSNN tăng 16,8% dự toán. Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư; khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng cao, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết về thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2022; Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH…Nhờ đó, những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2022 là khá toàn diện. Tới nay Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới; số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Tăng trưởng kinh tế GDP quý I đạt 5,03% , cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh.

Phó Thủ tướng LÊ VĂN THÀNH: Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, tính cả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả tích cực; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề cập tới một loạt những hạn chế, khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm 2022 mà đất nước phải đối mặt.

Phó Thủ tướng LÊ VĂN THÀNH: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa theo kịp sự phát triển của KTXH. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện.”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan, trước hết là công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế; tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao; công tác phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp để quyết tâm hoàn thành trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
 

Dương Dung