Tập trung giải pháp cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24 chiều nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn Uỷ ban thường Vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến báo cáo Kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Theo Báo cáo, bên cạnh những nỗ lực triển khai chương trình mới được ghi nhận như tích cực ban hành văn bản hướng dẫn, đầu tư xây dựng chương trình công phu nghiêm túc; Đoàn Giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu. Nguồn lực thực hiện chưa đầy đủ, đặc biệt là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Đáng chú ý, năm 2022, cả nước có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc.

Sách giáo khoa mới là yếu tố có nhiều bất cập trong triển khai. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn một bộ sách giáo khoa, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quản lý và thực hiện chính sách xã hội. Giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn từ 2-4 lần so với sách giáo khoa hiện hành, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính là do chiết khấu, chi phí in cao; chi phí bản quyền đối với người biên soạn cao, phải trả nhiều lần theo số bản sách được xuất bản, tái bản. Bên cạnh đó, việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách, nhất là trước thềm năm học mới. Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Góp ý hoàn thiện các nội dung của báo cáo và dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đề nghị: Rà soát để đảm bảo chính xác về số liệu, bổ sung thông tin các số liệu, trong đó có: Tỉ lệ giáo viên trong mỗi cấp học mỗi năm, số phòng học trên bậc học, số lượng giáo viên phổ thông thiếu …. Bên cạnh đó các đề xuất, kiến nghị cần rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ đối tượng, rõ thời gian. Về Dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm, thời hạn thực hiện, hoàn thành từng nhiệm vụ; Đồng thời lưu ý: Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát để tổ chức làm việc với Chính phủ vào cuối tháng 7/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2023.

Như Thảo -

Đỗ Minh -

Trương Tùng -

Vũ Hiếu