Tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người cao tuổi đi làm

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,6 tuổi, trong đó rất nhiều người cao tuổi được đào tạo bài bản, có trình độ cao, có kinh nghiệm sống phong phú. Đặc biệt, phần lớn trong số đó có nhu cầu tiếp tục được làm việc, cống hiến, sáng tạo, nhưng thực tế số người cao tuổi có việc làm vẫn còn hạn chế.

Theo thống kế, hiện nay số người cao tuổi tham gia vào bộ máy chính trị ở cơ sở là rất lớn. Ví dụ, chức danh Bí thư Chi bộ ở cơ sở thì có đến 60-70% là người cao tuổi. Đồng thời, có khoảng 90% người cao tuổi tham gia vào các công việc hòa giải ở cộng đồng… Những con số này cho thấy, người cao tuổi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, vai trò của người cao tuổi hiện nay vẫn chưa được phát huy hết một phần do thiếu thông tin, nhiều người cao tuổi muốn đi làm nhưng không biết phải tìm việc ở đâu, hoặc không có nhiều công việc phù hợp, một phần do các cơ chế chính sách hỗ trợ vẫn còn thiếu và yếu. 
 
Bà Bùi Thị Hương, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên cho biết: Việc hỗ trợ hay thù lao cho những cán bộ hội viên là người cao tuổi tham gia vào các hoạt động tại các thôn bản hầu như là không có. Họ chỉ hoạt động chủ yếu dựa trên lòng tâm huyết, nhiệt tình nên nhiều người cao tuổi vẫn đang hăng say hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng tại địa phương.
 
Ông Chang A Tủa, Chủ Tịch Hội Người cao tuổi xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Hoạt động của hội thì nhiều, ngay như ông Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã cũng không có phụ cấp, các thành viên trong hội cũng vậy, chính vì vậy họ không mặn mà, chỉ có một mình tôi làm tất cả mọi việc nên rất mệt, vất vả lắm”.
 
Theo thống kê của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trong số người cao tuổi, có nhiều người còn sức khỏe, có trình độ nghề nghiệp khá cao trong nhiều lĩnh vực và vẫn có nhu cầu được làm việc để cống hiến. Nếu lực lượng này chỉ nghỉ ngơi, hưu trí và không được phát huy hết giá trị thì sẽ là lãng phí rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tại Đại hội Người cao tuổi Việt Nam diễn ra ngày hôm nay nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, các cấp chính quyền, tổ chức hội cần chủ động tham mưu, phối hợp, tin tưởng và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, hỗ trợ hoạt động hiệu quả, tận dụng được tối đa trí tuệ và vốn sống của người cao tuổi.

TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV:  “Từ hội nghị Diên Hồng cho đến những năm đổi mới và những năm gần đây người cao tuổi đã đóng góp trí tuệ, phát huy kinh nghiệm của mình trong cuộc sống, trong lao động sản xuất và trong cả hoạt động xây dựng Đảng. Với bản lĩnh chính trị và trách nhiệm cao, với những vốn sống của mình người cao tuổi đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới của đất nước”.
 
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để người cao tuổi có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội thì cần phải tạo điều kiện cho người cao tuổi có các cơ hội việc làm, phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà còn động viên những người cao tuổi sống vui, sống thọ; giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm quý báu; đáp ứng nhu cầu của nhóm người cao tuổi, phù hợp với sự phát triển chung của toàn nhân loạị./.

Kim Thanh