Sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội: Cụ thể hóa những cải tiến, đổi mới đã được chứng minh bởi thực tiễn

Chiều 9/5, Thường trực Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với sự cần thiết ban hành, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi và nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi).

Về tiến độ xây dựng dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) là đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục tổng kết việc thi hành một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, như việc tổ chức kỳ họp bất thường, việc tổ chức họp trực tuyến... để có cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện, đề xuất quy định cụ thể, phù hợp trong dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi).

Đối với thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tăng cường vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, các ý kiến tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 07 phút. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị nên quy định thời gian phát biểu là không quá 05 phút, nhằm giúp cho nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu tại mỗi phiên họp.

Tại buổi làm việc, các thành viên đã dành thời gian cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến: thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến cơ quan thẩm tra; trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp Tổ; trình tự xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quy định về gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội đối với kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường.

Thùy Linh