Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Xác định ranh giới rõ ràng, minh bạch

Sáng 17/02, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị khám chữa bệnh trong thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm. Do đó, việc sửa luật làm sao bảo đảm tính minh bạch, công khai, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh có khuôn khổ rõ để thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực nhà nước và xã hội trong thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nêu rõ việc cần phân định nguồn kinh phí cho y tế dự phòng, việc sử dụng các nguồn kinh phí khác phục vụ việc khám chữa bệnh. Đồng thời, cũng cần làm rõ việc tránh trồng chéo trong quản lý giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Thực phẩm chức năng là điều chỉnh bằng Luật Vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn thuốc chữa bệnh điều chỉnh bằng Luật Dược. Trong này cũng có chuyện xâm lấn giữa thực phẩm chức năng với thuốc, nó không minh bạch. Tôi nói cái lớn nhất trong vấn đề Luật Khám bệnh, chữa bệnh này là việc đó. Liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua cũng còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo luật quy định còn rất chung. Vì vậy, tôi đề xuất cần phải nghiên cứu, làm rõ mấy điều này.

Điều 85 của luật này là "ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh”, theo tôi các đồng chí cần phải nghiên cứu để bổ sung thêm quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý một số nội dung như: Các điều kiện để một cơ sở y tế được xác định là hoạt động phi lợi nhuận, làm rõ mô hình cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, cơ chế quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở tư nhân, hay cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh...Nhấn mạnh quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng rà soát để xác định vấn đề nào luật cần quy định cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Trong này chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu là có nên quy định COVID vào đây không? Mà nên quy định là bệnh truyền nhiễm Nhóm A, bởi vì sau này còn nhiều thứ loại khác. Chúng ta phải quy định rất nhiều các nội dung cho công tác khám, chữa bệnh, trong đó có chỗ khám, chữa bệnh từ xa, vấn đề này các đồng chí đưa vào đây rồi, còn lại các nội dung khác nữa. Rà soát lại để có thể quy định những khung, cái gì cụ thể được thì quy định cụ thể, cái gì khung thì khung. Sau này Chính phủ có thể linh hoạt hơn trong việc đối phó với những thứ dịch bệnh rất nguy hiểm Nhóm A này, mà không cần phải dùng đến những nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ như vừa rồi.

Giải trình làm rõ một số nội dung, về phân định rõ việc kinh phí y tế dự phòng và kinh phí khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngân sách nhà nước sẽ chi cho y tế dự phòng, còn khám chữa bệnh được chi bằng bảo hiểm y tế. Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó sẽ nêu rõ vấn đề này theo quy định chia sẻ rủi ro và “đóng – hưởng” Về thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có nhiều loại bệnh chỉ cần điều trị bằng sản phẩm dinh dưỡng công thức, trong dự thảo luật đã làm rõ, phân định đây không phải là thực phẩm chức năng như thông thường.

Ông NGUYỄN THANH LONG, Bộ trưởng Bộ Y tế: Trong dự thảo luật lần này có đưa ra thực phẩm để điều trị. Bởi vì, có nhiều những bệnh chỉ cần điều trị bằng những thực phẩm dạng như sản phẩm dinh dưỡng công thức. Ví dụ, đối với điều trị suy dinh dưỡng thì bắt buộc phải điều trị bằng những sản phẩm đặc biệt đó. Đối với nhiều bệnh thì trong quá trình đó khi triển khai thực tiễn đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải nuôi bằng những sản phẩm đặc biệt. Đối với cơ chế tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân, hiện nay cũng đang rất khó ở điểm này nhưng cũng theo một nguyên tắc chung là theo cơ chế thị trường và để làm sao đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở này. Đối với cơ sở phi lợi nhuận phải có công bố và có các điều kiện, chỗ này cũng xin tiếp tục được làm rõ.

Tại phiên họp, với 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Quang Sỹ