Sẽ xin ý kiến Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6

Sáng nay 16/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chương trình phiên họp giữa 2 kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 này.

Về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp thu, nhiều vấn đề cụ thể đã được quy định chi tiết, cơ bản đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Đến thời điểm này, chất lượng dự án luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn 22 nội dung có các phương án khác nhau, cần xin ý kiến. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế. Chủ tịch nhấn mạnh, với sự thận trọng, kỹ lưỡng, Kỳ họp thứ 6 này chưa đủ cơ sở thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội và các cơ quan soạn thảo để các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Nhằm đảm bảo khi luật được thông qua, sẽ phải thật sự chất lượng và đi vào cuộc sống.

Đồng tình với phân tích này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự án luật này nhận được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ 6, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận và 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu. Điều này chứng tỏ dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần được thảo luận tiếp. 

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định quy trình xem xét, thông qua 1 dự án luật tại 4 kỳ họp mà chỉ có quy trình từ 1 đến 3 kỳ họp.

Tuy nhiên, Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, trong trường hợp dự án luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, có đủ cơ sở pháp lý để báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sắp tới có nội dung xin ý kiến Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 này. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam