Quốc hội thảo luận ở tổ về quy mô gói hỗ trợ kinh tế

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phục hồi kinh tế đang được Quốc hội bàn luận gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác, chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.

Tại điểm cầu Hà Nội, nhiều đại biểu cũng lo ngại về tình trạng dòng vốn chảy không đúng chỗ có thể gây ra hiện tượng đầu cơ, bong bóng bất động sản, chứng khoán… Thực tế nguy cơ này cũng đã hiện hữu, vì vậy đại biểu nhấn mạnh, cần cơ chế giám sát để dòng tiền hỗ trợ được đưa vào hoạt động sản xuất thay vì đổ vào các lĩnh vực rủi ro. 

Ông Trần Văn Lâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Chưa tung hỗ trợ thị trường chứng khoán đã sốt, giá bất động sản tăng mạnh. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì chi phí thuê mặt bằng, ảnh hưởng hấp dẫn đầu tư. Trong khi đó, quy mô bất động sản lớn nhưng không được sử dụng nhiều dẫn tới lãng phí. Không chỉ là giá bất động sản, chứng khoán cũng rất nóng”

Với quy mô gói hỗ trợ lớn như vậy, lạm phát cũng là vấn đề khiến nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại. Dẫn số liệu cho thấy hiện lạm phát của Việt Nam ở mức thấp, song một số đại biểu cho rằng không thể chủ quan.

Ông Phạm Đức Ấn - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: “Về kiểm soát lạm phát , nếu cais gói này mà k kiềm soát lạm phát thì về mo hết, cái này có nhiều vđ chúng ta phải tập trung, vì ô nào cũng nghĩ được vay gói này và áp lực tổ chức tín dụng thì dễ chuyển sang kênh khác là chứng khoán, bất động sản”

Ông Lê Tấn Tới - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Lạm phát, vấn đề trong thời gian tới không thể tránh khỏi, vì thế giới cũng vậy. Đặc biệt Mỹ Châu Âu lạm phát cao do nước nào cũng kích cầu đẻ phát triển kinh tế. Do nhu cầu phát triển nhanh sau dịch bệnh. Thì chắc chắn lạm phát. Nhưng con số là bao nhiêu, muốn phát triển nhanh thì phải mạo hiểm. Và vấn đề đặt ra là chống lạm phát như thế nào?”

Hiện gói hỗ trợ đang dành 53.150 tỉ đồng để chi cho bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Tuy nhiên tại điểm cầu Sơn La, có đại biểu cho rằng, dự thảo mới chỉ tập trung cho nhóm đối tượng nhóm lao động chính thức. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm cả nhóm người lao động ở những khu vực phi chính thức, lao động tự do, bởi đây cũng là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề và cần được hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: “Với nội dung giải pháp về tài khóa, tôi có tham gia về nội dung hỗ trợ lao động việc làm, an sinh xã hội. Cụ thể là nội dung Chính phủ trình là dùng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Theo tôi về mặt an sinh tôi rất ủng hộ, tuy nhiên tôi thấy chúng ta đưa ra giải pháp này nhưng chưa toàn diện về mặt đối tượng. Ở đây mới đề cập đến nhóm lao động chính thức còn nhóm lao động phi chính thức còn rất là cao, trên 54% cơ.”

Đại biểu cũng băn khoăn và đề nghị cần có sự tính toán để đánh giá tổng quan về vấn đề bội chi ngân sách trong thời gian thực hiện chương trình.

Ông Trần Chí Cường - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng: “Phần bội chi ngân sách hiện nay mới chỉ xác định năm 2021 là 5,1%, cao hơn mức trung bình của kế hoạch 5 năm là 3,7% GRDP, tuy nhiên chưa xác định rõ sau năm 2023 thì bội chi ngân sách có giảm tỷ lệ trong tỷ trọng GRDP và tổng của 5 năm thì bội chi có vượt quá ngưỡng của Quốc hội đã đề ra hay không”.

Theo đề xuất của Chính phủ, thời gian thực hiện gói hỗ trợ trong vòng 2 năm. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mọi chính sách cần phải được kết hợp hài hòa, hướng đến mục tiêu hàn đầu là ổn định kinh tế vĩ mô. Các gói hỗ trợ này được thực hiện trong thời gian nhất định, không nằm trong khung khổ kế hoạch tài chính ngân sách, do đó phải đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Gói phụ thêm mà ko trúng, đúng thì có lỗi với sự phát triển của đất nước. Việc ngoài khuôn khổ và tăng thêm tất nhiên có những rủi ro… do đó việc tính theo GDP trước hay sau thì như nhau. … Ổn định Vĩ Mô là mục tiêu hàng đầu. Nếu để ta mất ổn định thì rất khó. Huy động đã khó rồi, nhưng phân bổ đúng và trúng thì còn khó hơn. Và trong thời gian có 2 năm.”

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là hai công cụ quan trọng, cần đặt trong tổng thể dài hạn để đảm bảo ổn định vĩ mô. Vì vậy các đại biểu đều cho rằng, cần sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; song song với đó là đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN để huy động them nguồn lực cho chương trình này.