Quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hợp lý?

Theo pháp luật khi đã ly hôn thì đồng nghĩa quan hệ vợ, chồng chấm dứt, không còn là thành viên gia đình. Tuy nhiên Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng...

Cũng vì thế, tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 8/9, đa số ý kiến đề nghị cần cân nhắc về nội dung này cho phù hợp.

Các đại biểu cho rằng, sẽ không thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nếu quy định các hành vi bạo lực áp dụng đối với người đã ly hôn. Thực tế nếu người đã ly hôn có hành vi bạo lực thì đã vi phạm quy định của pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự và phải tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý.

Ông NGUYỄN MINH TÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: "Tôi đề nghị xem xét quy định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha, mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ, vì theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rất cụ thể, đó là "ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án". Theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng cũng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Chính vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc đối với quy định này."

Trước phân tích trên, có ý kiến cũng đề nghị việc đưa vào phạm vi áp dụng, điều chỉnh của Luật cả anh chị em ruột của người đã ly hôn lại càng không phù hợp.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Tôi nói thí dụ như nội dung "bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục gia đình là trẻ em, phụ nữ nuôi dưỡng con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng chăm sóc", anh chị em ruột người ly hôn có liên quan, dính dáng gì tới nội dung này đâu mà kêu người ta phải lo, thậm chí người ly hôn cũng không có dính dáng luôn."

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp và đặc biệt. Vì thế vấn đề đặt ra là cần tiếp tục áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Ông NGUYỄN HOÀNG MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa người đã ly hôn rồi thì chúng ta có thể áp dụng biện pháp bảo vệ, đó là biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc chẳng hạn. Đấy là những biện pháp rất đặc thù để chúng ta bảo vệ những nạn nhân. Thậm chí không phải chỉ mỗi biện pháp cấm tiếp xúc mà chúng ta còn một loạt các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nữa. Nếu chúng ta bảo đây là quan hệ bình thường thì sau đó chúng ta có hành chính, chúng ta hình sự nhưng những biện pháp kia chúng ta không áp dụng được và những chế độ, chính sách của Nhà nước không áp dụng được đối với các nạn nhân."

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Luật pháp các nước cũng áp dụng hành vi bạo lực gia đình cho những người sau ly hôn; và trước thực tiễn những hành vi bạo lực sau ly hôn vẫn xảy ra tại Việt Nam, thì việc học tập kinh nghiệm này của quốc tế là cần thiết.

Như Thảo