Quốc hội thông qua 2 luật với tỷ lệ tán thành cao

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa trải qua một tuần làm việc với nhiều nội dung quan trọng cả trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong công tác lập pháp, đáng chú ý, Quốc hội đã bấm nút thông qua 2 dự án luật quan trọng, phức tạp với tỷ lệ tán thành cao, trong đó luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV. Hay Luật Tần số vô tuyến điện là luật chuyên ngành sâu, sau khi thông qua được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý, khơi thông các điểm nghẽn để phát triển và khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên tần số quan trọng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Được đánh giá là Luật sâu về kỹ thuật, phức tạp nhưng trước yêu cầu thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn trong phương thức cấp phép băng tần, kênh tần số, nhằm thúc đẩy cạnh tranh và phát triển hạ tầng viễn thông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được bấm nút thông qua, với mốc triển khai Luật từ ngày 1/7/2023.

Việc Luật quy định cụ thể trường hợp nào tổ chức đấu giá, thi tuyển, hay cấp trực tiếp là bước tiến mới, góp phần quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Trong số các dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp lần này, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được thông qua, đã kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.

Một điểm đáng chú ý trong quá trình xây dựng luật này, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung "điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động", để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án không đạt mức độ tập trung cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có đại diện Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nghiên cứu, có phương án tiếp thu phù hợp,

Sau đó, Luật quy định doanh nghiệp tư nhân được quyền lựa chọn thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp của mình được đánh giá là bảo đảm sự thận trọng, không làm xáo trộn, tạo thêm gánh nặng về trách nhiệm, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!