• 1246 lượt xem
  • 12:20 26/11/2023
  • Xã hội

Quảng Trị: Đồng bào Vân Kiều - Pa Kô làm giàu từ sắn

“Trước đây nhà mình vất vả lắm. Không có gì hết, làm mãi mà không đủ ăn. Giờ nhờ có sắn. Dân bản có nhà to, có xe đẹp. Con cái học hành lên cao nhờ sắn đó. Hiện một thôn có 5 đến 10 nhà thu nhập từ 100 triệu trở lên từ sắn.” Đây là chia sẻ đầy hạnh phúc của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên tỉnh Quảng Trị khí nói về con đường thoát nghèo của mình.

Hình ảnh thu hoạch củ sắn tươi như thế này hiện dễ bắt gặp ở vùng biên huyện Hướng Hóa và Đakrông tỉnh Quảng Trị. Một năm một vụ. Hộ ít cũng thu từ sắn 50 cho đến 80 triệu. Hộ nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng. Hồ Pả Dỏ, một thành viên của câu lạc bộ trồng sắn 100 triệu do Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị thành lập, hiện có 7 ha trồng sắn. Năng xuất trung bình đạt 20 tấn trên ha. Với giá bán 3 ngàn đồng trên một kg sắn củ tươi Pả Dỏ thu về trên 400 triệu đồng một vụ. Nguồn thu nhập này hiện đã làm thay đổi đời sống vốn nghèo khó của gia đình Pả Dỏ cũng như nhiều hỗ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Chỉ tính riêng năm 2022, huyện Hướng Hóa có trên 5.000 ha sắn cho thu hoạch hơn 70 nghìn tấn sắn tươi, doanh thu trên 150 tỷ đồng. Hiện 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông tỉnh Quảng Trị có khoảng 30 nghìn hộ đồng bào tham gia trồng sắn, với tổng diện tích ước đạt khoảng 10 nghìn ha.

Cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo. Từ phong trào trồng sắn, đồng bào ở huyện Đakrông, Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị đã hình thành được lối canh tác hàng hóa để vươn lên làm giàu trên chính bản làng của mình.

Võ Linh