Quảng Ninh: Huyện Tiên Yên đang “một mình một đường” trong phát triển lâm nghiệp?

Theo quy hoạch chế biến gỗ năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh, từng bước hạn chế việc sản xuất băm dăm thô, phát triển lâm nghiệp bền vững, các địa phương phải giảm dần, không cấp mới giấy phép làm dăm gỗ, lộ trình từ 40 cơ sở năm 2013 xuống 11 cơ sở vào năm 2020.

Trong đó, huyện Tiên Yên sẽ phải giảm dần các cơ sở chế biến dăm gỗ nhỏ lẻ. Tuy nhiên thực tế, huyện này có đang đi ngược lại với chủ trương quy hoạch của tỉnh? 

Gỗ dăm chất cao như núi, cả trên bờ, dưới tàu. Người dân ở đây cho biết, xưởng gỗ dăm này hình thành được 2 - 3 năm gần đây. Hàng ngày, hoạt động băm dăm gỗ gây ra tiếng ồn, bụi bặm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân lân cận.

NGƯỜI DÂN: “Làm được 2 - 3 năm nay rồi, từ năm nay bắt đầu vào hoạt động mạnh. Điếc hết tai, nó bụi.”

Trước đó, năm 2019, cơ sở sản xuất dăm gỗ của ông Thang Văn Thông di chuyển từ Cảng Mũi Chùa (địa điểm theo quy định không được cấp phép) đến vị trí mới tại Thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng. Ngày 9/12/2019 UBND huyện Tiên Yên đã ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp với mục đích tập kết vật liệu và chế biến dăm gỗ.

Ông MAI QUANG VINH, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh: “Công ty Hào Hưng Quảng Ninh, cũng là ông Hào Hưng. Ngoài cảng thì không được cấp phép băm dăm, ngoài cảng chỉ để làm cảng hàng thôi.”

Tuy nhiên, ngay từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có công Văn 2126, nêu rõ, chủ trương không điều chỉnh, bổ sung cơ sở sản xuất băm dăm mà thực hiện giảm dần các cơ sở đảm bảo theo đúng quy hoạch được duyệt. Điều kì lạ, thay vì cắt giảm các xưởng sản xuất dăm gỗ nhỏ lẻ, năm 2019, UBND huyện Tiên Yên lại đồng ý chủ trương di chuyển xưởng dăm gỗ của ông Thang Văn Thông sang nơi mới.

Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch: “UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương hạn chế băm dăm gỗ thô, sản xuất dăm dỗ thô và tập trung vào sản xuất tinh nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc UBND huyện Tiên Yên cấp phép mới khi đã có chủ trương hạn chế rõ ràng là có vấn đề”.

Đến năm 2020, cơ sở sản xuất gỗ dăm này tiếp tục được chuyển giao cho Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hoàng Thảo. Và một lần nữa, công ty được Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất, trong đó có mục đích chế biến dăm gỗ. Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng cấp mới và bổ sung ngành nghề sản xuất dăm gỗ cho các doanh nghiệp từ 2017, thế nhưng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh dường như “không biết” hay “quên” khi vẫn cấp phép đăng ký ngành nghề kinh doanh lĩnh vực chế biến dăm gỗ.

Luật sư TRẦN TUẤN ANH, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch: “Sở Kế hoạch - Đầu tư vẫn cấp phép ngành nghề đó cho doanh nghiệp, rồi UBND huyện vẫn tiếp tục cho tồn tại. Rõ ràng, chủ trương, chính sách của cấp trên là tỉnh Quảng Ninh chưa được coi trọng.”

Theo quyết định quy hoạch chế biến dăm gỗ 3599, lộ trình đến năm 2020, huyện Tiên Yên đãng lẽ phải cắt giảm từ 9 điểm xuống còn 3 điểm chế biến dăm gỗ. Tuy nhiên, hiện tại tháng 8 năm 2022, huyện này vẫn giữ nguyên "thành tích" ban đầu.

Hoàng Tùng