Quản lý AI – Cuộc chạy đua giữa ngành lập pháp và giới công nghệ

Hai ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu về dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), một bước tiến lớn đưa châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới có đạo luật kiểm soát AI. Động thái này diễn ra trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của AI trong thời gian gần đây luôn đi kèm với những cảnh báo về nguy cơ và rủi ro an ninh.

Đã có rất nhiều lời kêu gọi chính phủ các nước đặt ra những chính sách cần thiết nhằm quản lý AI một cách hiệu quả, mà không gây ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty công nghệ. Đây cũng là nội dung trên báo chí thế giới những ngày gần đây.

Trong một bài phân tích trên trang Foreign Policy có nhan đề “Cuộc đua toàn cầu trong quản lý AI”, tác giả cho biết hàng trăm nhà khoa học công nghệ và nghiên cứu đều đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của AI. Thậm chí, nhà khoa học kỳ cựu Geoffrey Hinton, cha đẻ của AI, còn phải cảnh báo về việc mở rộng quy mô phát triển AI trước khi có thể kiểm soát được nó hay không. Ông khẳng định nó có thể hủy diệt thị trường việc làm toàn cầu, hay tệ nhất là vượt qua trí thông minh của con người. Bài viết nhận định rằng, việc thiết lập khuôn khổ quy định chung cho công nghệ luôn khó khăn, nhưng nó lại càng khó khăn hơn khi công nghệ luôn đi nhanh hơn. Đàm phán các quy tắc luôn gây ra nhiều rắc rối về địa chính trị và nhiều bất đồng trong cách tiếp cận tốt nhất. Theo bài viết, trong khi châu Âu thông qua Đạo luật quản lý AI thì bên kia đại dương, quy định về AI của Mỹ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến nay, Washington đã áp dụng cách tiếp cận tuân thủ tự nguyện, trong khi các chuyên gia cho rằng cần có cách tiếp cận ràng buộc hơn đối với quy định AI.

Bài viết dẫn lời Giám đốc điều hành của Viện AI Now, Sarah Myers West, khẳng định, trnog điều kiện hiện nay, Đạo luật AI của EU sẽ trở thành khuôn mẫu để các quốc gia khác áp dụng. Điều quan trọng là phải bảo vệ hiến pháp, các quyền, và bối cảnh của từng nước.

“Điều chỉnh AI sẽ khiến các công ty và chính phủ gặp khó khăn” là một bài viết được đăng tải trên tờ Financial Times. Tác giả cho hay, việc phát hành nhanh chóng các công cụ AI tổng quát là một thời điểm cần tính toán. Cũng lấy ví dụ từ Geoffrey Hinton, bài viết bổ sung quan điểm của tỷ phú Elon Musk cảnh báo AI có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại. Bài viết cho rằng, chưa nói đến việc thiết lập một cơ quan quản lý AI, thì việc để đạo luật quản lý AI được thông qua và triển khai cũng phải mất tới vài năm. Tác giả đưa ra quan điểm, bất kỳ quy định AI thành công nào cũng phải giải quyết được 3 điều. Thứ nhất là quyền lợi (the power dynamics) giữa các nhà phát triển AI và phần còn lại của xã hội cần phải được tái cân bằng. Thứ 2 là tiếp cận thông tin, cần có các biện pháp bảo vệ lợi ích cộng đồng cho phép các nhà lập pháp thấy được các hoạt động bên trnog AI. Và thứ 3 là bản chất luôn thay đổi của AI. Quy định cần linh hoạt và có hiệu lực thi hành chặt chẽ. Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng, mặc dù các quốc gia luôn nỗ lực quản lý AI, nhưng con đường phía trước sẽ rất khó khăn.

Ngọc Anh