"Phê duyệt quỹ tiền lương cũng phải lấy ý kiến của tất cả thành viên Ủy ban nhân dân"

Chiều 1/11, góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản QPPL đã được rà soát với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác, và cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn bất cập trong các quy định pháp luật liên quan tới thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 

Về kết quả rà soát, đại biểu nhận thấy, kết quả rà soát dù rất tích cực nhưng chưa phản ánh được hết bức tranh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, cho nên cần tiếp tục rà soát.

Đại biểu đề xuất văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ nên quy định thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với những nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quy định tại Điều 21 và Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn lại, nhất là những thẩm quyền quyết định những vụ việc cụ thể thì nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, việc này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu mà còn khắc phục được bất cập hiện nay và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.

Về xử lý kết quả sau rà soát, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Pháp luật là tập trung xử lý văn bản QPPL sau rà soát với lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành và nhất là quan tâm tới việc giám sát xử lý kết quả sau rà soát.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số