• 1625 lượt xem
  • 12:59 12/11/2023
  • Kinh tế

Phát triển vùng nguyên liệu cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam

Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu tự phát, quy mô sản, xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể. Phát triển bền vững nghề dâu tằm tơ luôn là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu. Đây là nội dung được các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và các doanh nghiệp bàn luận tại Hội thảo "Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức vào chiều 11/11.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển ngành lụa tơ tằm và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Những sản phẩm này chủ yếu được bán cho khách du lịch và đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là nước sản xuất tơ lụa lớn trên thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu tơ thô. Ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường. Việc chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao mới ở giai đoạn sơ khai.
Trên thực tế, người dân trồng dâu nuôi tằm chủ yếu tự phát. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Trang thiết bị của nhiều hộ nuôi cũng còn hạn chế.
 
Một số vùng dâu tằm đang trong tình trạng kém phát triển. Trong đó, vùng dâu tằm truyền thống Đồng bằng sông Hồng đang có xu hướng giảm mạnh, hiện chỉ còn 486ha.
 
Theo các chuyên gia, để phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, cần quy hoạch ở tầm vĩ mô, để phát triển lợi thế so sánh của vùng. Đặc biệt ở ba vùng chính: Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đồng thời, phát triển ngành dệt may ở Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Nam Trung Bộ theo huớng kết hợp du lịch.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Giang -

Công Anh