Phát triển công nghiệp văn hóa: Từ thực tiễn đến giải pháp

Trong Phiên toàn thể chiều 17/12, Hội thảo Văn hóa 2022 tiếp tục nghe các báo cáo tham luận về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa.

Ngày 17/6/1999 Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội có điều kiện, động lực để phát triển công nghiệp văn hóa. Phó Bí thư thành ủy Hà Nội cho biết, nguồn lực quan trọng cho phát triển công nghiệp văn hóa của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế. Việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa thiếu đồng bộ. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung một số giải pháp quan trọng.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của thành phố. Hội An một điểm đến du lịch di sản văn hoá quan trọng của Việt Nam và vươn tầm ra cả thế giới nên cần những cơ chế, kinh phí đầu tư xứng tầm.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam khi đã đặt văn hóa là trung tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia bảo đảm công bằng và bền vững. Đây là điều mà Việt Nam có cách tiếp cận và đi trước nhiều nước trên thế giới. Đồng thời khẳng định UNESCO luôn sẵn sàng luôn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển về văn hóa, đưa văn hóa vào trung tâm chính sách phát triển.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nark Jong cho biết, quy mô thị trường toàn cầu của ngành công nghiệp nội dung ở Hàn Quốc là 2,3 nghìn tỷ đô la vào năm 2018. Hàn Quốc có thị phần 2,6%, trở thành quốc gia lớn thứ 7 trên thế giới. Có được thành công này là do Chính phủ Hàn Quốc đã công bố 3 chiến lược đổi mới hàng đầu và 10 nhiệm vụ chi tiết cho bước tiến nhảy vọt của ngành công nghiệp nội dung, chẳng hạn như mở rộng tài chính chính sách. Đây cũng là những kinh nghiệm mà Việt Nam cần tham khảo để có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới hình thành nên môi trường, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!