Phát huy giá trị văn hóa bản làng thông qua mô hình “Bảo tàng mini”

Nếu trước kia, nhắc đến lĩnh vực bảo tàng thì thường chúng ta sẽ nghĩ tới những bảo tàng lớn như bảo tàng trung ương, bảo tảng tỉnh. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển thì hiện nay có nhiều mô hình bảo tàng với qui mô khác nhau, như bảo tàng tại chỗ, bảo tàng tư nhân, thậm chí cả những bảo tàng có qui mô rất nhỏ mà chúng ta vẫn hay gọi là bảo tàng mini.

Vậy một bảo tàng mini sẽ có diện mạo như thế nào? Hãy cùng tôi tới với làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, để tìm hiểu về cách thiết kế mô hình bảo tàng văn hóa thôn của đồng bào người Dao nơi đây.

 Đây là chiếc cối xay thóc của đồng bào Dao thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Theo như lời giới thiệu của trưởng thôn Nậm Đăm là anh Lý Tả Đành, thì chiếc cối xay thóc này là sự sáng tạo riêng của người Dao nơi đây, du khách sẽ không thể tìm thấy chiếc cối xay này tại các bản làng khác trên mảnh đất Hà Giang.

Ông LÝ TẢ ĐÀNH, Trưởng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Cái cối xay thóc này nó khác là, ngày xưa các dân tộc khác là họ giã gạo, nhưng người Dao ở đây thấy giã gạo thì nó nát gạo nên họ đã sáng tạo ra chiếc cối xay này để tuốt hết vỏ ra, xong rồi họ mới cho vào giã cho nó trắng gạo, rồi mới lấy sàng sàng lại”

Cối xay thóc, cối giã gạo, dụng cụ cày, bừa, dụng cụ sàng lọc….một góc trưng bày như thế này trong Bảo tàng văn hóa thôn Nậm Đăm, cũng đã phần nào giúp du khách dễ dàng hình dung đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con người Dao nơi đây.

Ông LÝ TẢ ĐÀNH, Trưởng thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Bảo tàng ở đây là do nhân dân tự đóng góp, các vật dụng ở đây là đủ bộ để sinh hoạt hàng ngày, ngày xưa các cụ sinh hoạt như thế nào thì lấy hết về đây”.

Chị NGŨ THỊ TUYỀN, Khách du lịch: “Theo mình mỗi thôn có một bảo tàng như thế này thì sẽ giúp du khách tìm hiểu được những đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của thôn đó. Còn nếu mình muốn tìm hiểu sâu hơn thì mình có thể tham gia vào du lịch cộng đồng hoặc vào các nhà dân trong thôn”

Một góc trưng bày vật dụng sinh hoạt, một góc lại trưng bày trang phục, một góc khác lại trưng bày tài liệu nghi lễ… dường như những nét văn hoá cơ bản nhất của đồng bào Dao tại thôn Quản Bạ đã được giới thiệu trong một khuôn viên chỉ vài chục mét vuông. Với vị trí nằm ngay đầu lối vào làng, Bảo tàng văn hóa thôn Quản Bạ như một lời chào cởi mở tới tất cả du khách khi đặt chân tới đây.

Ông Sân Sài Dương, Công chức văn hóa thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Từ khi mà thành lập bảo tàng mini thì có nhiều du khách cũng ghé thăm. Việc đặt tại ngay trung tâm thôn thì giúp du khách dễ đi lại, dễ quan sát.”

Với các bản làng vùng cao, bên cạnh những giá trị về cảnh quan, địa chất thì những giá trị văn hóa đặc trưng chính là sức hút không thể bỏ qua với khách du lịch. Việc xây dựng một bảo tàng mini của thôn, của làng đã cho thấy nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi. Bà con đã biết tận dụng mọi lợi thế của mình tạo ra giá trị kinh tế. Và điều quan trọng hơn, việc xây dựng bảo tàng mini cũng là một trong những cơ hội để đồng bào vùng cao có thể lưu giữ bản sắc của dân tộc mình cho thế hệ tương lai.

Văn Thắng