Pháp có nguy cơ lún sâu vào bất ổn chính trị-xã hội vì cải cách hưu trí

Chính phủ Pháp hôm qua vận dụng một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp, để thông qua dự luật cải cách hưu trí đang gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội. Động thái này có nguy cơ đẩy Pháp lún sâu vào khủng hoảng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối đã bùng phát thành bạo lực ở nhiều thành phố.

Thủ tướng Pháp phát biểu trong tiếng la ó của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục cho thấy sự chia rẽ của nước Pháp trong vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu này.

Tổng thống Pháp đã đưa vấn đề cải cách chính sách hưu trí vào trọng tâm chương trình nghị sự, với lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là điều cần thiết để giữ cho hệ thống lương hưu không bị thâm hụt. Tuy nhiên quyết định này đã vấp phải sự phản đối trong suốt thời gian qua, khi các nghiệp đoàn cho rằng cải cách sẽ ảnh hưởng tiêu cực những người có thu nhập thấp làm những công việc chân tay vốn đã bắt đầu làm việc từ sớm và buộc họ phải làm việc lâu hơn những sinh viên mới tốt nghiệp, những người ít bị ảnh hưởng bởi những thay đổi.

Và ngay sau tuyên bố sử dụng điều 49.3 của Thủ tướng, hàng nghìn người Pháp theo lời kêu gọi của các nghiệp đoàn lao động đã tập trung, đốt lửa và dựng chướng ngại vật tại quảng trường Concorde nằm ngay trước trụ sở Quốc hội để phản đối và tạo ra các khung cảnh hỗn loạn. Hàng loạt các cuộc tuần hành đã diễn ra tại các thành phố lớn khác trên toàn nước Pháp. Các nghiệp đoàn lao động tuyên bố sẽ tiếp tục phát động các cuộc tuần hành vào cuối tuần này và một cuộc tổng đình công và biểu tình lớn trên toàn quốc vào ngày 23/3, những diễn biến cho thấy nước Pháp đang có nguy cơ lún sâu hơn vòng xoáy bất ổn chính trị và xã hội vốn kéo dài từ hơn 2 tháng qua.

Hồng Nhung