• 2695 lượt xem
  • 03:24 08/02/2023
  • Xã hội

"Phải có con trai nối dõi" - tư tưởng nặng nề ở vùng cao Sơn La

Tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc, đặc biệt đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, nhiều nơi vẫn còn nhiều nặng nề quan điểm phải sinh được con trai để “nối dõi tông đường”. Chính từ quan niệm này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Nam giới đến tuổi kết hôn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Ghi nhận của phóng viên tại huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La.

Huyện Vân Hồ là một trong những địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tương đối cao tại tỉnh Sơn La với 117 bé trai/100 bé gái. Vợ chồng anh Giàng A Tánh đã có 2 người con gái nhưng vì muốn có con trai, nên dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn họ vẫn quyết định sinh thêm con. Năm vừa rồi vợ chồng anh Tánh mới sinh thêm một cháu gái và giấc mơ có con trai để nối dõi vẫn chưa thành.

Anh GIÀNG A TÁNH, Bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: “Chắc phải đẻ thêm một đứa con trai, để đứa này tầm khoảng 2-3 năm mới đẻ thêm. Người Mông mình thì không có con trai cũng vất vả, toàn sinh con gái cũng vất vả cho gia đình”.

Gia đình chị Giàng Y Chi đã có 2 người con gái 3 tuổi và 5 tuổi, nhưng hai vợ chồng vẫn “canh cánh” việc chưa có con trai. Dù nhận thức được việc sinh con nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bản thân người phụ nữ, cũng như sẽ vất vả hơn trong việc chăm lo cho con cái. Nhưng vợ chồng chị vẫn nuôi hi vọng thời gian tới sẽ có con trai.

Chị GIÀNG Y CHI, Bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: “Mình là con gái đi lấy chồng rồi thì không có nghĩa vụ, trách nhiệm để lo cho bố mẹ hoặc thờ cúng bố mẹ nữa. Nên phải bắt buộc phải có con trai để thờ cúng cho bố mẹ. Nếu có bé gái thì tương lai của mình không có ai thờ cúng, người Mông là như thế”.

Do tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, thời gian qua các cán bộ y tế đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con không lựa chọn giới tính khi sinh, thay đổi phong tục, tập quán. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền vẫn còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.

Ông SỒNG A VỪ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: “Tuyên truyền cho bà con nhân dân biết được tình trạng ảnh hưởng của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức các lớp tập huấn cho y tế xã, chuyên trách dân số xã để cập nhật kiến thức về công tác tuyên truyền cho nhân dân, nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Phối hợp với tổ chức, nhà trường triển khai các lớp ngoại khóa cho học sinh kiến thức về mất cân bằng giới tính."

Sơn La hiện là địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính cao trong cả nước với tỷ lệ 118,2 bé trai/100 bé gái. Những năm qua, địa phương này đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên vì rào cản về phong tục tập quán, và tâm lý muốn có con trai cho bằng được nên công tác dân số nơi đây chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hoàng Hà