• 1242 lượt xem
  • 22:26 11/07/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Triển khai nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao hướng tới nông nghiệp xanh

Việc triển khai nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đã được tổ chức thực hiện tại một số địa phương, tuy nhiên, mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và với con người này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cùng bàn luận về vấn đề này với Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong chương trình Triển khai nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao hướng tới nông nghiệp xanh.

Trước khi vào bàn luận về chủ đề chính, mời quý vị và các bạn theo dõi một số tin tức nông nghiệp đáng chú ý!

NGHIÊN CỨU HỖ TRỢ NGƯ DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG DO GIÁ XĂNG DẦU

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các trường hợp bị ảnh hưởng do giá xăng, dầu tăng cao. Hiện tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%. Do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 đến 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 đến 48%. Trong khi, giá bán hải sản tăng không đáng kể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.

XUẤT KHẨU THỦY SẢN ĐẠT 5,8 TỶ USD TRONG NỬA ĐẦU NĂM

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dù tăng trưởng đang chững lại nhưng xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 6 vẫn mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ. 

XUẤT KHẨU GẠO SANG MỸ TĂNG VỌT

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,52 triệu tấn và 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng hơn 16% về khối lượng và gần 5% về giá trị. Xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng trưởng 71,3%, mức tăng mạnh nhất trong các quốc gia nhập gạo Việt. Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với gần 44% thị phần.

16 TỈNH CÓ 100% SỐ XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
 
Tính đến hết tháng 6, cả nước có 5.775/8.227 xã (chiếm 70,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 160 xã so với cuối năm 2021). Cả nước cũng có gần 250 đơn vị cấp huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
 
ANH: SIÊU VI KHUẨN GÂY TỬ VONG TÌM THẤY TRONG THỊT LỢN
 
Một số siêu thị bán thịt lợn ở Anh đã phát hiện các sản phẩm như sườn, thịt xay, xương bị nhiễm siêu vi khuẩn có khả năng gây tử vong cho người tiêu dùng.
 
Loại siêu vi khuẩn được phát hiện là một dạng biến thể của siêu vi khuẩn enterococci có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và vết thương, cùng nhiều các bệnh khác. Nguyên nhân được cho là lợn đã trở nên kháng thuốc khi được điều trị bằng một số loại kháng sinh. Các chủng vi khuẩn kháng thuốc hiện đang là một mối quan tâm sức khỏe hiện nay, với tỷ lệ đang tăng trên khắp châu Âu. Một đánh giá của chính phủ Anh về tình trạng kháng thuốc kháng sinh vào năm 2016 ước tính, siêu vi khuẩn giết chết ít nhất 700.000 người trên toàn thế giới mỗi năm, và dự báo có thể tăng thêm 10 triệu ca tử vong vào năm 2050 nếu không có hành động nào được thực hiện.
 
ITALY BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP CHỐNG HẠN HÁN
 
Chính phủ Italy hồi đầu tuần đã ban bố tình trạng khẩn cấp do nắng nóng kéo dài và hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế của người dân Italy, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc đất nước. Tình trạng khẩn cấp có dự kiến hiệu lực đến cuối năm nay, nhằm cung cấp cho chính phủ ngân sách và quyền hạn nhằm đối phó với tình trạng thời tiết cực đoan đe dọa làm giảm tới 1/3 sản lượng nông nghiệp của đất nước. Trọng tâm công việc của chính phủ Italia sẽ tập trung vào việc giảm bớt hạn hán ở khu vực phía đông dãy Alps và ở thung lũng sông Po - một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của đất nước. Tình trạng khẩn cấp cho phép giới chức các địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp nếu cần thiết, chẳng hạn như phân chia nước cho các hộ gia đình và doanh nghiệp./
 
INDONESIA TRƯỚC LÀN SÓNG DỊCH LỞ MỒM LONG MÓNG
 
Dịch lở mồm long móng ở Indonesia có nguy cơ gây ảnh hưởng tới các nghi thức tổ chức lễ hội Eid al-Adha năm nay ở quốc gia này. Eid Al-Adha, được gọi là Lễ hội hiến tế. Tuy nhiên, năm nay sự lây lan của dịch bệnh lở mồm long móng, một bệnh do virus truyền nhiễm ảnh hưởng đến gia súc, cừu, dê và lợn, đã làm giảm đáng kể doanh số bán gia súc. Người nông dân Indonesia buộc phải dứng trước 2 lựa chọn: bán gia súc với giá rẻ hoặc chữa trị cho chúng với rủi ro chúng gầy đi, thậm chí có thể chết. Ước tính, đợt dịch lở mồm long móng này có thể khiến kinh tế Indonesia thiệt hại 1,37 tỉ USD/năm.
 

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO HƯỚNG TỚI NÔNG NGHIỆP XANH

Hiện nay, nước ta đang hướng tới mô hình nông nghiệp xanh - một mô hình nông nghiệp thân thiện với con người và môi trường. Mô hình nông nghiệp xanh hướng tới việc tái sử dụng chất thải hữu cơ từ sản xuất, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái chung và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất… Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế nên chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi đề cập đến một góc độ của nông nghiệp xanh đang được triển khai ở nước ta, đó là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Tại Sơn La đã nỗ lực ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, không thể tạo ra khu tập trung; thói quen canh tác theo kiểu tự cung, tự cấp, chi phí đầu tư cho công nghệ lớn… đang là những trở ngại lớn đối với nền nông nghiệp Sơn La hiện nay.

SƠN LA CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN KHI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

 2 năm trước, ông Tuấn cùng 1 số thành viên trong Hợp tác xã Đoàn Kết đã quyết định phá bỏ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng nho với tiêu chí chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Ông Tuấn đã đầu tư hệ thống nhà lưới, bạt giữ ẩm và tưới nước nhỏ giọt. Dù vậy, nghịch lý ở chỗ, việc đầu tư sản xuất lớn nhưng giá bán lại rẻ hơn so với nho vô cơ. 

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La: “Cái khó khăn của chúng tôi là đầu ra. Bây giờ thị trường chưa chứng thực được đâu là sản phẩm hữu cơ, đâu là sản phẩm vô cơ cho nên chúng tôi đang bị thất thế. Chúng tôi cũng mong làm sao các cơ quan chức năng sớm đến khảo nghiệm, đánh giá và cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện sản phẩm hữu cơ để tới đây sản phẩm chúng tôi đưa ra thị trường”. 

Còn hợp tác xã này chuyên sản xuất rau sạch và an toàn với hệ thống nhà kính, tưới mới, hiện đại. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các thành viên trong hợp tác xã cũng không còn mặn mà với việc đầu tư vì giá cả vật tư tăng cao mà giá nông sản thì gần như không tăng.

Ông Vì Văn Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26.3 tỉnh Sơn La: “Hợp tác xã bây giờ rất nhiều thành viên nhưng mà diện tích đất sản xuất rất là manh mún. Mỗi hộ có 1 khu vực sản xuất khác nhau. Như vậy nó làm tăng chi phí quản lý của mình. Khi mà mình muốn đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất đồng bộ thì cũng khó khăn".

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La: “Diện tích áp dụng công nghệ cao còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung. Chưa có sản phẩm được công nhận là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao. Chưa có hợp tác xã nào được công nhận là tổ chức nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển”. 

Sơn La hiện có 207/665 hợp tác xã bước đầu ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các chuỗi nông, lâm, thủy sản bền vững. Tuy nhiên địa phương này vẫn chưa có 1 Trung tâm ứng dụng đồng bộ nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa nên chưa phát huy hết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

ĐẮK LẮK: NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

 Còn tại Đắk Lắk, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng việc phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn.

1.000 m2 đất này từng được 13 hộ nông dân liên kết để xây dựng nhà kính với mục tiêu canh tác rau sạch theo quy trình khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Sau 2 năm hoạt động không hiệu quả, mô hình này giải thể, chỉ còn lại khu đất trống bỏ không.

Ông Ngô Văn Hoàng, Xã Ea M’nang, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk: “Nhiều lý do không thành công. Do làm kín quá, với lại do môi trường không phù hợp, nếu làm nhà lưới thì phù hợp hơn còn nhà kính quá nóng nên đất quá khô.”

Khó khăn hiện tại, cộng thêm tác động của dịch COVID-19, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại Đắk Lắk càng gặp nhiều thách thức. Đơn cử như cây cà phê – cây trồng chủ lực của địa phương với hơn 210.000ha, sản lượng nhân đạt hơn 550.000 tấn/năm nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê vẫn còn hạn chế, chưa ổn định và tương ứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk: Người nông dân vẫn đang canh tác theo phương pháp truyền thống, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: "Trình độ của người sản xuất còn hạn chế, nguồn lực hạn chế,  số lượng tổ hợp tác hoạt động hiệu quả còn thấp".

Hiện tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5.000 ha cây trồng và 30% tổng sản lượng gia súc gia cầm ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là tự phát, chưa có định hướng cụ thể. Nông dân chủ yếu phải tự xoay sở về nguồn vốn đầu tư; lo ngại về giá cả, đầu ra cho sản phẩm.

KHÓ KHĂN TRIỂN KHAI NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, CNC

Rõ ràng, triển khai các mô hình nông nghiệp mới, nhất là sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn không phải câu chuyện dễ dàng, nhất là khi tập quán canh tác ăn sâu vào sản xuất của người dân đã lâu. Phóng viên Truyền hình Quốc hội đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT - một chuyên gia trong lĩnh vực này - để cùng tìm hiểu thêm thông tin về thực tế và khó khăn trong triển khai sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

 Mời quý vị theo dõi!

Thực tế cho thấy, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đúng chuẩn và đem lại hiệu quả không hề đơn giản. Trong nhiều năm qua, dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã chủ động định hướng và triển khai nhiều mô hình hướng tới nền nông nghiệp xanh, thế nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Những vấn đề này một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đề cập tại Nghị trường Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Hiện nay, mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp, du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?” 

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chúng ta cũng đã có rất nhiều nghị định và những thông tư hướng dẫn, có quy hoạch về vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, những sản phẩm nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quốc hội cho phép, Thủ tướng cho phép Bộ Nông nghiệp ngồi rà soát lại tất cả những chính sách đó, có những chính sách chúng ta đưa ra nhưng không có nguồn lực để đảm bảo.”

Ông Dương Khắc Mai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Tôi có nêu về cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng để tham mưu cho Chính phủ trong thời gian sắp tới?”

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tôi nghĩ rằng không phải chỉ dừng lại ở chỗ cơ chế, chính sách nhà nước và sự sẵn lòng, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu để lan tỏa. Tôi nghĩ rằng nếu một một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 hecta, 2.000 hecta để tạo ra vùng nguyên liệu thì cá nhân tôi không khuyến khích mô hình đó. Làm sao một doanh nghiệp có thể từ lõi nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ, v.v. mà để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó, đó là hướng mà chúng ta tìm kiếm.”

CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ 

Có thể thấy cơ chế chính sách là một trong những yếu tố phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Những vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu không phải là mới và việc thực hiện ra sao lại là câu chuyện lâu dài. Trước mắt, để nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững cần ưu tiên các cơ chế, chính sách và sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.  

Đây là mô hình cây ăn quả sử dụng phân bón hữu cơ rộng gần 10 ha tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn bộ các vật tư sử dụng trong quá trình chăm sóc đều là phân bón và thuốc vi sinh, tuyệt đối không sử dụng chất hoá học.

Bà Phạm Thị Dự, Huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc: “Ngày trước không có thuốc sinh học này thì vẫn phải dùng thuốc hoá học. Nó phải cách ly lâu vì độc hại. Bây giờ bơm thuốc sinh học cách ly có loại chỉ 1 ngày, nặng nhất là 7 ngày là được thu hoạch rồi.”

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, vừa không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, Huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc: “Làm ở đây thì an toàn hơn, đảm bảo kỹ thuật, đúng nguyên tắc nên hoa quả ăn yên tâm lắm.”

Diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ tại tỉnh Vĩnh Phúc đang không ngừng mở rộng với gần 3.300 ha bao gồm nhiều diện tích trồng rau, quả các loại, lúa gạo và nhiều cơ sở chăn nuôi. Để đạt hiệu quả, hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc: “Hàng năm chúng tôi triển khai hỗ trợ khoảng gần 3.000 ha phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc và sinh học cho vùng rau trên địa bàn tỉnh. Triển khai hỗ trợ chế phẩm xử lý rơm rạ trên cây lúa vụ mùa”.

Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững thì vẫn rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số hoạt động, xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đấy sản xuất nông nghiêp hữu cơ phát triển.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG CHĂN NUÔI CỪU

Không chỉ tại Việt Nam, sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã khiến cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống dần trở nên đơn giản hơn và mang lại nhiều lợi ích với lượng thời gian được rút ngắn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ cao giúp cải thiện năng suất và cuộc sống của nông dân. Câu chuyện sau đây ở Tây Tạng, Trung Quốc là một ví dụ.

Cừu Gangba là một trong những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Tây Tạng (Trung Quốc). Sống ở độ cao hơn 4.700 mét so với mực nước biển, cừu Gangba có chân ngắn, bụng to và chỉ ăn cỏ trên cây hoang dã. Thịt cừu Gangba tươi, mềm và không có mùi hôi, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong những năm gần đây, những người chăn gia súc ở địa phương đã áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc chăn nuôi cừu. Những con cừu được chăn nuôi tại đây được gắn các chip theo dõi trong đó chứa các thông tin cơ bản về từng cá thể, các dữ liệu sau đó sẽ được chuyển về trung tâm kiểm soát nhằm giúp hỗ trợ công tác chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm được sản xuất từ cừu.

Nhân viên Trung tâm dữ liệu lớn: "Việc gắn chip theo dõi là để phục vụ công tác quản lý kỹ thuật số của cừu Gangba. Những con chip chứa dữ liệu về thông tin cơ bản của cừu, bao gồm thông tin về cha và mẹ, và thông tin y tế. Chúng tôi đã gắn khoảng 21.000 con chip cho cừu, và sẽ tiếp tục công tác này trong tương lai”

Tây Tạng đã thành lập trung tâm dữ liệu lớn đầu tiên cho việc chăn nuôi cừu Gangba vào tháng 4 vừa qua. Thông qua nền tảng truy xuất nguồn gốc chất lượng và an toàn, một hệ thống nhận dạng đã được thiết lập cho hơn 180.000 con cừu Gangba tại 25 Hợp tác xã chăn nuôi cừu của địa phương. 

Anh TRƯƠNG HUY TRUNG, Quản lý Trung tâm dữ liệu lớn: “Chúng tôi đã chia hệ thống nhận dạng thành 8 tiểu hệ thống quản lý để thực hiện quản lý kỹ thuật số và tiêu chuẩn hóa sản xuất cừu Gangba.”

Sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi cừu ở Tây Tạng trong những năm gần đây đã dẫn đến sự hình thành của nền kinh tế chăn nuôi cừu Gangba, bao gồm tám quận khác trong vùng lân cận, mang lại lợi ích cho 260.000 nông dân và người chăn nuôi. 25 hợp tác xã chăn nuôi cừu đã được thành lập nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Kể từ năm 2018, cừu Gangba đã là loài được công ty chế biến nông sản lớn nhất Tây Tạng lựa chọn để chế biến và tiếp thị. Đến năm 2021, tổng doanh thu của ngành chăn nuôi cừu Gangba đạt gần 60 triệu nhân dân tệ (8,95 triệu đô la Mỹ). Hơn 80% nông dân và người chăn nuôi địa phương đã tham gia vào các hợp tác xã chuyên chăn nuôi cừu. Cũng nhờ thế, ngành công nghiệp sản phẩm len địa phương cũng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, và kết quả là bảy Hợp tác xã dệt kim chuyên dụng do phụ nữ địa phương quản lý đã được thành lập./.

CHÚ TRỌNG YẾU TỐ KỸ THUẬT TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

 Từ ví dụ ở Trung Quốc cho thấy xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Vậy ngành nông nghiệp của nước ta đã học hỏi và triển khai thực tế ra sao, yếu tố nào cần được chú trọng trong thực hiện nông nghiệp hữu cơ để hướng tới nông nghiệp xanh?

Mời quý vị tiếp tục theo dõi nội dung cuộc trò chuyện với ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT.

PHÁT TRIỂN RAU QUẢ AN TOÀN TRONG NHÀ MÀNG, NHÀ KÍNH

Để triển khai hiệu quả mô hình nông nghiệp mới, hiện đại và an toàn cần sự đồng bộ từ chính sách đến hình thái sản xuất. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, nông dân các địa phương đã bắt tay vào sản xuất hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị một số mô hình hiệu quả tại các địa phương. Tại Bắc Ninh – địa phương biết đến là tỉnh năng động trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng đã và đang triển khai nhiều chính sách và mô hình nông nghiệp hiện đại.

NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở BẮC NINH

 Những năm gần đây, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Bắc Ninh áp dụng trên tất cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Anh Bùi Xuân Quế đã chủ động đầu tư, mở rộng nhà màng, nhà kính với hệ thống bón phân, tưới nước tự động cho gần 10.000m2 trồng rau quả của gia đình. Hướng tới sản xuất an toàn, toàn bộ vườn rau quả của anh Quế đều sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm bón.

Anh Bùi Xuân Quế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh:Tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thúc đẩy cá nhân gắn bó hơn với đất, với nông nghiệp.”

Còn mô hình sản xuất nho đen siêu ngọt này là mô hình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh trồng thử nghiệm. Đặc biệt, mô hình này nằm trong chương trình hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật của Đại học Nông lâm Bắc Giang cho thấy sự gắn kết giữa thành quả nghiên cứu với người nông dân.

Ông Nguyễn Tiến Được, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm Bắc Giang: “Hiện nay chúng tôi chuyển giao 18 mô hình ở các tỉnh phía Bắc. Nhà trường sẽ hỗ trợ về con giống, kỹ thuật và quy trình. Hôm nay đi đánh giá tôi bất ngờ vì cây rất tốt”.

Bắc Ninh hiện có 26 vùng sản xuất rau các loại với tổng diện tích hơn 75ha, hình thành 72 cơ sở ứng dụng công nghệ cao với 161ha chủ yếu là lúa, rau… Rõ ràng, đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và giá trị xanh là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung./.

TRÀ VINH: PHÁT TRIỂN VÙNG NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO

Còn tại tỉnh Trà Vinh, hiện phong trào nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu nở rộ, trong đó nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mô hình này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm nuôi, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

6 năm nay, ông Phát bắt đầu nuôi theo mô hình ao lót bạt bởi đầu ra ổn định, chất lượng tôm rất tốt. Đến nay, ao tôm của ông nuôi đã được 156 ngày cho kích cỡ tôm 13 con một kilogram.

Ông Trương Mĩ Phát, Ấp Phương Hải, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: “Chuyển nuôi công nghệ cao, ao mình lót bạt, xài ôxy nuôi hiệu quả cao hơn khoảng 70%, chỉ có 30% rủi ro thôi. Diện tích 2 ao khoảng 1.000 mét vuông, năng suất tỉa 5 lần được 7 tấn, còn lại khoảng 3 tấn mấy 4 tấn. Nuôi tôm công nghệ cao lời hơn truyền thống lắm, mình chủ động được nguồn nước, thuốc men nên tôm khỏe, nuôi nhanh lớn, đạt size lớn”.

Theo các hộ nuôi, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn. Mỗi ao nuôi người dân phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng trở lên, bao gồm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí sản xuất, con giống đến thức ăn...

Ông Nguyễn Văn Thành, Ấp Long Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: “Nuôi công nghệ cao nước lấy cũng rất tốt vì qua hệ thống lọc, có hầm biogas thải nên đỡ môi trường// Một khi kĩ thuật nắm bắt được rồi mình nuôi thấy an tâm, chắc an thì phẩn khởi thôi”.

Tỉnh Trà Vinh xác định phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, trong đó tập trung phát triển mạnh nuôi tôm thâm canh mật độ cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Cũng nhờ tập trung phát triển những mô hình hiệu quả mà Trà Vinh là một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu tôm cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 31.400 hecta, trong đó nuôi tôm công nghệ cao là 884 hecta.

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: “Tỉnh đã và đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các khu nuôi tôm công nghệ cao, cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến để nhằm tăng giá trị con tôm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh”

Hiện nuôi tôm theo mô hình ao lót bạt và các mô hình sản xuất theo hướng thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Trà Vinh đã và đang giúp người dân trong vươn lên làm giàu, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương./.

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN NỀN KINH TẾ BỀN VỮNG 

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi đang là một xu thế tất yếu. Nắm bắt hướng đi này, các doanh nghiệp sở hữu những sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp sạch mà còn thể hiện năng lực tiên phong với những giải pháp mới trên hành trình phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phần cuối của chương trình chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị mô hình này.

 Đây là hệ thống vận hành để giảm thiểu tác động từ chất thải chăn nuôi đến môi trường, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò sữa tại các trang trại của tập đoàn TH. Công nghệ này cho phép tận dụng năng lượng sinh học từ quá trình phân hủy sinh học của vi sinh vật để sấy khô phần chất độn chuồng.

Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Bộ phận Bảo trì CTCP Sữa TH, Tập đoàn TH: “Sau lưng tôi đây là một mô hình mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, công nghệ của Đức và Áo. Chúng tôi tận dụng được nó để thu hồi nguồn nhiệt vừa làm mục đích sấy khô, vừa làm mục đích diệt khuẩn để cung cấp cho trang trại nguồn chất độn tốt nhất, phòng chống bệnh tật. Đó là cách chúng tôi tận dụng KHCN, áp dụng quá tình tái tạo và thu hồi nguồn năng lượng xanh để phục vụ cho quá trình sản xuất.”

Còn đây là mô hình năng lượng tái tạo vào hệ thống Biogas xử lý triệt để nguồn nước thải từ quá trình chăn nuôi mà Tập đoàn đã áp dụng trong thời gian vừa qua. Khí Biogas thu về thông qua các hệ thống xử lý sẽ được sử dụng lại để phát điện, duy trì dòng năng lượng xanh cho cả nhà máy.

Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Bộ phận Bảo trì CTCP Sữa TH, Tập đoàn TH: “Với một nhà máy như vậy sẽ xử lí phân bò, nước thải từ quá trình chăn nuôi từ 10.000 – 20.000 gia súc. Nguồn biogas thu được đủ để phát điện. Chúng tôi hướng tới xây dựng nhà máy xử lý nước thải ecopower factory - nhà máy không sử dụng điện lưới hoặc năng lượng từ hệ thống điện lưới quốc gia”

Hệ thống xử lí nước thải này nhập khẩu từ Hà Lan, khép kín từ khâu tách chất thải đến xử lí sinh hoá và hoá học. Ước tính, công nghệ này có thể xử lí được 1.200m3 nước thải/ ngày đêm từ quá trình chăn nuôi.

Xử lý từ nguồn phát thải của gia súc, đến những công đoạn cuối cùng là nguồn nước đảm bảo sạch khi đưa về lại với môi trường. Một mô hình chuẩn về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được hình thành và áp dụng tại trang trại của TH.

Ông Argyal Mandal, Giám đốc Nhà máy sữa TH, Tập đoàn TH:Tập đoàn TH đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững. Bên cạnh việc đầu tư vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà máy sữa và trang trại bò sữa thì hàng năm tập đoàn TH đều xuất bản cuốn báo cáo về phát Triển bền vững để phân tích và đánh giá hiệu quả về mặt môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và nền kinh tế tuần hoàn".

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), chất thải gia súc trên toàn cầu ước tính đã tạo ra 65% lượng Nitơ oxit (N2O) trong khí quyển – loại khí hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2, và là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính. Tập đoàn TH trở thành một doanh nghiệp điển hình mang tới nhiều bài học thành công trong ứng dụng công nghệ cao góp phần hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên con đường phát triển bền vững mà thế giới đang hướng tới. Ứng dụng công nghệ cao khép kín, điểm đặc biệt của mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của TH là đã đưa những người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất công nghệ cao, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội – môi trường một cách bền vững.

TÂN CƯƠNG (TRUNG QUỐC) VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

 Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một trong những yếu tố chính, giúp cho Trung Quốc giữ ngôi đầu về canh tác nông nghiệp, đáp ứng cả về an ninh lương thực và bền vững môi trường. Tân Cương (Trung Quốc) hiện đang định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và phân phối, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Khu trang trại này là nơi chăn nuôi hơn 50.000 con cừu và hơn 1.000 gia súc khác. Phân từ gia súc, cừu và các vật nuôi khác được chế biến thành phân bón nông nghiệp thông qua một dây chuyền tự động hóa, từ đó cung cấp cho các cánh đồng nho lân cận. Thân và lá của cây nho lại được quay ngược trở lại làm thức ăn cho cừu. Các nguồn lực được tối đa hóa bằng cách xoay vòng, nền nông nghiệp tuần hoàn vì vậy có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng nguồn cung thức ăn cho gia súc. Bằng cách biến chất thải động vật thành nguyên liệu hữu ích, nông nghiệp tuần hoàn cũng việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

 Ông Hùng Bân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Tân Cương: “Đến cuối năm 2025, chúng tôi sẽ hình thành nên cụm công nghiệp chăn nuôi tại địa phương với giá trị sản lượng hàng năm trên 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,57 tỷ USD) bao gồm ngành công nghiệp sản xuất sữa ở sườn phía Bắc dãy núi Thiên Sơn, ngành chăn nuôi gia cầm đặc biệt ở phía Nam Tân Cương, cũng như ngành công nghiệp thịt bò và thịt cừu hữu cơ, ngành chăn nuôi ngựa với các sản phẩm đa dạng ở phía Bắc Tân Cương.” 

Năm 2021, gia trị sản phẩm ngành chăn nuôi tại Tân Cương đạt gần 20 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ mới, ngành nông nghiệp tại địa phương này được kỳ vọng sẽ lập nhiều kỷ lục mới trong thời gian tới.

Hiện tại, Tân Cương cũng đã hình thành một hệ thống nông nghiệp tuần hoàn dành cho ngành sản xuất bông, kết hợp giữa sản xuất, dịch vụ, lưu thông, chế biến và bán hàng. Năm 2021, tổng sản lượng bông ở Tân Cương đạt 5,129 triệu tấn, chiếm 89,5% của cả nước. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%./.

 

Hà Lan