Thủ tướng Chính phủ: Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân

Sáng 29/12, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có đóng góp rất quan trọng, trên nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có bước tăng trưởng vượt bậc. Giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,9%; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 68%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2021, trong bối cảnh nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có đóng góp rất quan trọng, trên nhiều khía cạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. 

Trong bối cảnh và tình hình mới sau đại dịch, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương phải coi trọng công tác quy hoạch; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn; đẩy mạnh cải cách hành chính; phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát; huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng xuất lao động. Ngành Nông nghiệp và các địa phương phải kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng; tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực sản xuất, chế biến để sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, xuất khẩu chính ngạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “”Phải đa dạng hóa thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xây dựng nhiều sản phẩm quốc gia, quốc tế, sản phẩm của vùng này thì các đồng chí biết rồi, nếu chúng ta cứ phụ thuộc vào một thị trường, hai thị trường, 3 thị trường mà có khủng hoảng kể lại coi như đứt gãy, đa dạng hóa thị trường mà muốn đa dạng hóa thị trường thì phải đa dạng hóa các sản phẩm và phải nâng cao chất lượng sản phẩm, phải có thương hiệu cho sản phẩm, có thương hiệu quốc tế, có thương hiệu quốc gia, có thương hiệu của tỉnh, của vùng"".

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần phát triển bền vững kinh tế biển; gỡ “Thẻ vàng EC”, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chủ động phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Thủ tướng nhấn mạnh, vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nên phải khẩn trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “”Cuối cùng nhiệm vụ, giải pháp gì thì cái nhưng mà cái mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta là phải nâng cao được đời sống tinh thần vật chất của người nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và đối tượng yếu thế trong nông nghiệp. Tôi nói như vậy để các đồng chí muốn thế thì phải thế nào phát triển nhanh chương trình quốc gia về nông thôn mới này. Thứ hai là phát triển văn hóa, phát triển văn hóa, có cả các thể chế, về cơ chế có liên quan đến các định chế về văn hóa, về thể chế, thể chế, cơ chế chính sách, các cơ sở hạ tầng cho văn hóa nông thôn để làm sao phát huy được giá trị văn hóa, bản sắc của các vùng miền, rất cần để phát huy cái này. Gắn du lịch nông thôn gắn du lịch với văn hóa thì nó mới bền vững được".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng trong năm 2022 và thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn. Nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.../.