• 3915 lượt xem
  • 03:23 02/04/2022
  • Xã hội

Hơn 20 phương thức tuyển sinh, học sinh đối mặt với "áp lực chồng áp lực"

Một mùa tuyển sinh đang đến gần. Thời gian này, nhiều trường đại học liên tiếp công bố các phương án tuyển sinh, tuyển thẳng. Điều này một mặt mang đến nhiều lựa chọn hơn cho thí sinh, tuy nhiên nó cũng mang đến những rắc rối và căng thẳng không nhỏ, khiến các em học sinh áp lực chồng áp lực.

 Đối với lứa học sinh khối 12 năm nay, cả 3 năm trung học phổ thông đều gặp gián đoạn vì dịch. Năm học cuối cấp, gần như cả học kì 1 các em học trực tuyến tại nhà. 

Em NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH, Học sinh lớp 12Q1, trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em thấy khá là áp lực vì 3 năm ở trên trường em đều phải học online. Điểm chuẩn của khóa năm ngoái, khóa 2003 khá là cao vì vậy nên bọn em cũng khá là áp lực khi phải so sánh điểm của mình với điểm của các anh chị năm ngoái ạ.

 Bản thân việc thi cuối cấp đã căng thẳng, nhưng phải đưa ra lựa chọn phù hợp cũng không dễ dàng. Lựa chọn tổ hợp thi, lựa chọn trường phù hợp với năng lực, lựa chọn ngành nghề mong muốn,… rất nhiều quyết định mà các em học sinh mới trưởng thành phải đưa ra.

Em NGUYỄN HỮU ĐẠT, Học sinh lớp 12A, trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em cũng hơi lo lắng về lựa chọn của mình. Em băn khoăn về các môn thi em chọn mỗi ngày.”

 Nhưng với sự nở rộ các phương án tuyển sinh năm nay, danh mục phải lựa chọn sẽ còn tăng lên nhiều lần. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay có hơn 20 phương thức tuyển sinh, chưa kể các biện pháp kết hợp.

Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng Ban Đào đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Đặc biệt là 2 năm gần đây, một số trường đại học, nhất là các đại học top đầu đưa ra các phương án tuyển sinh riêng. Điều này gây ra nhiều rào cản cho các em thí sinh vì trước đây chỉ với 1 lần thi các em có thể apply rất nhiều trường nhưng bây giờ thì các em phải thi rất nhiều kì thi.”

 Tuy nhiên, điều này là hệ quả không tránh khỏi khi đề thi trung học phổ thông những năm gần đây chỉ đáp ứng nhu cầu tốt nghiệp, tính phân hóa không cao. Điểm thi “lạm phát” ở mức 27, 28 điểm, việc lựa chọn học sinh xuất sắc của các trường top đầu trở nên khó khăn hơn nếu chỉ dựa vào 1 kì thi chung.

Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng Ban Đào đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Tôi cũng như đại diện rất nhiều đơn vị đào tạo luôn đề nghị Bộ Giáo dục tổ chức kì thi mà đề thi được phân hóa tốt hơn, Thế nhưng tôi cũng phải lưu ý là đề thi tốt là 1 phần nhưng còn phải coi thi và chấm thi nghiêm túc nữa, từ bài học của những năm trước.”

 Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề thi nên giảm tải để phù hợp với các em thí sinh đã phải học online quá lâu, lượng kiến thức tiếp thu cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dù giảm tải đến đâu, đề thi vẫn cần đảm bảo sự phân hóa các đối tượng người học.
 

Ninh Tùng