Những phát biểu ấn tượng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các đại biểu Quốc hội đã tham gia sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng về các vấn đề của 4 dự thảo luật. Qua đó thể hiện rõ vai trò đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là lực lượng nòng cốt, then chốt trong công tác xây dựng pháp luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Chúng ta thấy là rất nhiều trường hợp vừa qua trong rất nhiều lĩnh vực phạt để cho tồn tại. Việc nộp phạt hành chính thì có lợi hơn rất nhiều so với lợi nhuận của người ta thu được trong quá trình người ta vi phạm những vấn đề về thương mại, những vấn đề về kiểu dáng công nghiệp hay là vấn đề về hàng hóa.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Trên thực tế họ không thỏa thuận, biểu diễn xong rồi, hát xong rồi, sử dụng xong rồi họ lờ đi. Như vậy, các tác giả hiện bây giờ có một nỗi khổ vô cùng là cứ chạy theo để trao đổi việc này, các tác giả rất buồn, rất chán và rất là đau vì chuyện này. Có những tác giả sáng tác tác phẩm được người ta sử dụng nhiều, nhưng có những tác giả đời sống rất khó khăn, đó là những đứa con tinh thần, những giá trị tinh thần họ rất xứng đáng được nhận thù lao, được pháp luật bảo vệ.”

Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ, đảng viên đang có dấu hiệu trùng xuống, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm. Có rất nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng tôi cho rằng biện pháp khen thưởng là biện pháp thiết thực và có yếu tố tích cực.”

Ông BÙI HOÀI SƠN - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp, vì vậy nên tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, dẫn đến tình trạng như kiểu “đường sữa thì phát từ trên xuống, cày cuốc thì phát từ dưới lên.”

Ông VŨ TRỌNG KIM -Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: “Đã là liệt sĩ thì không tính tháng, tính ngày nữa. Vì như lịch sử dân tộc của chúng ta đã tôn vinh “có những phút làm nên lịch sử, có cái chết hóa thành bất tử”. Tôi hiểu rằng, chính sách liệt sĩ là chính sách vô cùng cao quý dành cho người hy sinh trọn vẹn sự sống của mình cho Tổ quốc, chứ không chỉ là hy sinh tuổi trẻ, tuổi thanh xuân tươi đẹp, gia đình mất mát mãi mãi không tìm lại được đứa con.”

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Đối với trường hợp thanh niên xung phong hy sinh thì không nên quy định thời hạn. Bởi, việc hy sinh xương máu, tính mạng là một sự đóng góp, hy sinh một cách cao nhất, chúng ta không nên chặt chẽ trong những quy định về những đối tượng này.”

Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Nếu theo quy định của pháp luật hiện nay và cả dự thảo luật lần này thì ai là người xét khen thưởng cho đại biểu Quốc hội, kể cả cho đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp?”

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Khi chúng ta đăng ký chiến sĩ thi đua cơ sở bao giờ cũng phải đăng ký sáng kiến và hội đồng sáng kiến lại do anh em cùng cơ quan đứng ra họp bình xét với nhau thì tính hình thức của nó rất cao, cho nên tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi. Giống như các doanh nghiệp làm, người ta không có lao động tiên tiến nhưng có nhân vật của tháng, nhân vật của năm, người ta căn cứ vào sản phẩm đầu ra để khen thưởng, có thể thưởng nóng ngay lập tức. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thay đổi những việc quá truyền thống và hình thức như thế này.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc phải có 2 lần liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp bộ, phải có 3 lần liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Việc quy định phải liên tục dẫn đến khó tránh khỏi tình trạng “nuôi thành tích”, nhường nhau hoặc có định hướng trước.”

Ông TRẦN VĂN LÂM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang:Tại sao vấn đề này chúng ta không giao cho tư nhân, các tổ chức làm, nhà nước chỉ quản lý một vài các đầu mối được phép thẩm định, chúng ta sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng, chứ làm sao lại phải suốt ngày đi xem phim, duyệt xem thế nọ, thế kia?”

Bà TRẦN THỊ HOA RY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Đến bao giờ chúng ta mới giải được bài toán, đó là thừa kịch bản yếu, nhưng thiếu kịch bản hay? Có những cuộc thi, do chúng ta chưa đầu tư và phát động thời gian dài nên chưa tìm được những tác phẩm xuất sắc để trao giải nhất.”

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: “Vấn đề ở đây là làm thế nào để cân bằng mục đích giữa quản lý nhà nước với quyền tự do sáng tạo và quyền được bảo vệ toàn vẹn tác phẩm, cần phải có sự quy định cụ thể nhằm khắc phục sự tùy tiện, cảm tính, ảnh hưởng đến sức sáng tạo cũng như cản trở sự phát triển điện ảnh.”

Khắc Phục