Những “nốt trầm” của nền kinh tế

Hôm nay 27/9, Uỷ ban Kinh tế thẩm tra tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo báo cáo, rất nhiều điểm sáng của nền kinh tế được chỉ ra. Khi có tới 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 3,1%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8 đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo nhận xét của đại biểu và chuyên gia, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, phản ứng chính sách khá nhanh nhạy, song nền kinh tế còn nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Đặc biệt, cần thẳng thắn nhìn nhận vào những nốt trầm, những gam mầu tối của nền kinh tế, để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Những nốt trầm của nền kinh tế, những gam màu tối của bức tranh kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm đã được các thành viên Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia chỉ ra. Và tín hiệu đáng lo ngại đầu tiên là sức khỏe doanh nghiệp. 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 8 tháng. Thoạt nhìn thì con số này tăng hơn 2,3% so với cùng kỳ. Thế nhưng nếu xét kỹ hơn, thì số vốn đăng ký lại giảm tới 14,7%. Điều này cho thấy quy mô doanh nghiệp đang dần thu nhỏ lại, hay nói cách khác, doanh nghiệp chỉ tăng về lượng mà thiếu chất.  

Và nốt trầm cuối cùng mà báo cáo cần làm rõ nét hơn, đó là tốc độ tăng năng suất lao động của nền kinh tế. Tăng năng suất lao động được coi là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh. Thế nhưng tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chỉ tiêu này. Bởi theo báo cáo, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong 2 năm vừa qua đều không đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam