Những kẽ hở trong đấu giá bất động sản công

Sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, dù việc đấu giá đất đã diễn ra đúng quy định hiện hành nhưng cũng xuất hiện một số lỗ hổng, cần khắc phục. Các chuyên gia về pháp lý bất động sản nêu nhiều kiến nghị liên quan đến việc Đấu giá quyền sử dụng đất, pháp lý và giải pháp để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch trong đấu giá đất công, tài sản công.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị đấu giá đất nâng khống giá trị đất như: lũng đoạn thị trường bất động sản, nâng khống giá cổ phiếu, trái phiếu, đáo hạn nợ, vay nợ ngân hàng. Về pháp lý, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn lợi dụng kẽ hở để khai thác nhằm vào những mục trục lợi.

Ông NGỤY CAO THẮNG, Giám đốc Trung tâm Đấu giá Tài sản, Sở Tư pháp TP HCM: “Nhà đầu tư phải xác định năng lực khi tham gia đấu giá, cđược quy định sẵn trong luật rồi. Phải xác định giá trị khu đất để khi tham gia đấu giá tránh tình trạng bỏ cọc, xin gia hạn. Điều này gây ra hậu quả rất lớn.”

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch HH Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Pháp luật chúng ta đã hoàn thành các nhiệm vụ nhưng do thị trường, sự phát triển của chúng ta tăng rất nhanh, mạnh và có những điểm không còn phù hợp pháp luật và chậm trễ trong xử lý các dự án đầu tư.”

Các chuyên gia bất động sản nhận định, quy định pháp luật và các quy định nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương không đồng bộ. Một số địa phương áp dụng Nghị định số 148/2020. Một số địa phương khác như Hà Nội, Nghệ An, TP.HCM áp dụng theo Nghị định số 126/2020. Hiểu và áp dụng khác nhau sẽ gây ra khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện và tiềm ẩn các vấn đề về khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh.

Tiến sĩ ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trường ĐH Kinh tế Luật – ĐH Quốc gia TP HCM: Sự không thống nhất khoản 1, 2 Điều 3; khoản 2, 3 Điều 33 của Luật Đầu tư vô tình bỏ quên việc xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư. Cụ thể là quy định năng lực của chủ đầu tư là phải có giấy tờ chứng minh năng lực tài chính ở khoản 3 - Điều 33 khi nói về nội dung cần thẩm định, các cơ quan có quyền thẩm định bao gồm Quốc hội, Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Các chủ thể này chưa thẩm định thì nội dung thẩm định trong trường hợp này lại không đề cập đến thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư như thế nào?".

Các chuyên gia kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để đảm bảo tính đồng bộ. Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá.

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam:Chúng ta điều chỉnh các quy định làm thế nào chặt chẽ hơn và họ cũng không dám làm, không thể làm, đó là câu chuyện của pháp luật. Việc này hiện nay đang được Quốc hội và Chính phủ quan tâm."

Quốc hội cần sớm đưa Luật Đất đai, Đấu giá, Đấu thầu và các quy định về tài chính sửa đổi tại những kỳ họp tới để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả sử dụng đất công. Một vấn đề sử dụng đất sau đấu giá cũng cần được lưu ý, chủ thể trúng đấu giá đất được cấp quyền sử dụng đất có quyền chuyển nhượng tài sản. Vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét sử dụng công cụ tài chính về thuế, đánh thuế cao nếu chuyển nhượng dự án trúng đấu giá trong thời gian ngắn.

Nguyễn Sơn