Nhờ trợ lý ảo tòa án, một giờ đưa được 10 vụ án lên mạng

Sáng 7/11, đặt câu hỏi chất vấn Chánh án TANDTC, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, với xu thế người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa, theo báo cáo công tác của Chánh án, vụ việc hàng năm thụ lý, giải quyết đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, với nguồn lực về nhân sự và điều kiện đảm bảo như hiện nay thì rất khó khăn.

Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, ngành tòa án đã đề ra nhiều giải pháp trong nâng cao chất lượng xét xử. Trước hết là tăng cường công tác hòa giải, kể từ khi Luật Hòa giải có hiệu lực, công tác hòa giải được triển khai hiệu quả giúp giảm áp lực đáng kể. Bên cạnh đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng trợ lý ảo đem lại nhiều hiệu quả. Việc sử dụng trợ lý ảo tòa án được đánh giá là một điểm sáng trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia. 

Một trong các giải pháp được thực hiện là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm, động viên cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Giải pháp căn cơ sắp đươc triển khai, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất và được Quốc hội đồng ý, đó là việc sửa đổi Luật Tổ chức tòa án, việc sửa đổi sẽ giúp hệ thống Tòa án chủ động bố trí bộ máy hợp lý hơn, hình thành các tòa chuyên biệt để nâng cao chất lượng, giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu, thay đổi một cách hợp lý các nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, có chế độ phù hợp hơn cho thẩm phán. 

Về lâu dài, số lượng công việc tăng lên hàng năm, ngành tòa án đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống tòa án.

Mời quý vị theo dõi nội dung chương trình!

 

 

 

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số