Nhìn ra thế giới: Thành phố của tương lai - Phần 1

40 năm trước, Thâm Quyến không có gì từ những tòa nhà, con đường. Giờ đây, thành phố này có 13 triệu dân và đang lớn mạnh trở thành biểu tượng thành công sau 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc. Các công xưởng mọc lên, sản xuất những mặt hàng điện tử, tiêu dùng, nơi tập trung của các tập đoàn khổng lồ như Tencent, ZTE và Huawei. Đến với Thâm Quyến để cảm nhận năng lượng tốc độ cao.

Thành phố Thâm Quyến nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, cách Hong Kong chỉ một con sông. Diện tích toàn thành phố là 2020 km2, dân số 13 triệu người. Trước đây, Thâm Quyến chỉ là làng chài nghèo của huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông, đến năm 1979 chuyển thành thành phố Thâm Quyến và năm 1980 chính thức trở thành đặc khu kinh tế Thâm Quyến.

Không có bề dày lịch sử cũng như những phong cảnh thiên nhiên đặc sắc, nhưng bằng những chính sách phát triển hết sức thông thoáng, sau 40 năm, Thâm Quyến đã trở thành đặc khu kinh tế thu hút đầu tư và du khách quốc tế vào loại nhất nhì khu vực. Được mệnh danh là công xưởng của thế giới, từ đó tới nay Thâm Quyến là cái nôi của rất nhiều nhà máy sản xuất hàng loạt thiết bị điện thoại di động thông minh và thiết bị viễn thông khác. Trong bối cảnh các nhà sản xuất dần dịch chuyển hoạt động tại thị trường lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2010 để tìm kiếm lực lượng lao động rẻ hơn, “siêu đô thị” Thâm Quyến đã có những bước cải cách và chuyển mình mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Một tối cuối tuần ở Thâm Quyến, Trung Quốc: Người dân đến công viên này luyện tập để có được sức khỏe tốt hơn, tâm trạng vui vẻ hơn và để làm việc hiệu quả hơn. Đằng sau họ là màn hình chiếu chân dung của ông Đặng Tiểu Bình, người đứng sau những cải cách thị trường tự do của Trung Quốc.

Khung cảnh này cho thấy nhiều điều về Thâm Quyến. Đó là một thành phố của Trung Quốc, chắc chắn là vậy. Nhưng nó cũng là có sự khác biệt. Đó là một thành phố thu hút nhân tài: những người trẻ tuổi, chăm chỉ, thông minh và có tư duy cởi mở từ khắp nơi trên đất nước. Họ đến đây để nỗ lực vào ban ngày, cải thiện bản thân vào ban đêm và để vượt lên chính mình. 

Tham vọng như mạch máu của Thâm Quyến. Các nhà máy của thành phố; thị trường; các công ty khởi nghiệp; đế chế công nghệ đang trỗi dậy… Và cả điều này nữa: một chương trình bắn pháo hoa bằng đèn LED xanh hoành tráng, một phiên bản pháo hoa của tương lai. Thành phố của bạn có thể làm được điều đó không? Không. Thành phố của bạn chắc là không thể. Nhưng đây là câu chuyện tại sao Thâm Quyến có thể. Và tại sao tất cả mọi người - đặc biệt là những người ở Thung lũng Silicon - nên biết, và có lẽ là sẽ có một chút kinh ngạc. 

Bạn bước vào trong một chiếc ống kim loại. Nó đưa bạn qua 115 tầng với tốc độ đáng kinh ngạc, và bạn đã lên đến đỉnh của tòa nhà chọc trời Ping An. Sau đó, bạn thấy một cửa sổ, và ngạc nhiên trước sự tuyệt vời của Thâm Quyến. 

Bốn mươi năm trước, tất cả nơi này chỉ là đất nông nghiệp và những con đường đất, một trung tâm nhỏ buôn bán hàng hóa nông sản ngay sát Hong Kong. Giờ đây, là những ngôi nhà sôi động của 13 triệu người, nơi mà gần như tất cả mọi người gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Mọi thứ ở đây đều di chuyển với cái gọi là “tốc độ Thâm Quyến”. Đó là một cụm từ mô tả một tốc độ không thể thay đổi, và tôi đã đến đây để tự mình cảm nhận. Để làm được điều này, điều cần làm là đến một nơi ngắm toàn cảnh thành phố và xem mọi thứ chúng ta sử dụng được tạo ra ở đâu.

Nhà báo ASHLEE VANCE, Chuyên mục Hello World – Bloomberg: “Bạn luôn nghe về các nhà máy ở Trung Quốc. Hôm nay tôi may mắn được đi thăm một nơi nằm cách trung tâm thành phố khoảng một giờ đồng hồ. Họ sẽ cho chúng ta thấy cuộc sống bên trong một nhà máy như thế nào.”

Có nhà máy nhỏ, có nhà máy to. Và chúng ta đến thăm nơi này, nhà máy do Grandsun Electronic điều hành. Môi trường xung quanh nhà máy trông rất sang trọng nhằm mục đích làm cho khách hàng từ mọi nơi tới cảm thấy thoải mái. Bên trong nó còn hơn cả những gì bạn mong đợi: hàng trăm công nhân làm việc tại Shenzhen Speed, làm ra những chiếc tai nghe cho một công ty của Australia có tên là Nura. 

Vì sao các anh chọn Thâm Quyến? Tôi đoán nơi này là nơi mọi người thường chọn lựa ngày nay?

Anh LUKE CAMPBELL, Người sáng lập công ty Nura: “Thâm Quyến được biết đến như một nơi mà mọi người đến để mở các nhà máy sản xuất. Chúng tôi có chuỗi cung ứng ở đây - một nhà cung cấp có thể tạo ra bất kỳ thành phần nào của chiếc tai nghe mà mọi người cần. Và tất nhiên là giá nhân công không còn rẻ như xưa nhưng vẫn hợp lý. Dây chuyền sản xuất về cơ bản chạy ở công suất tối đa kể từ khi chúng tôi bắt đầu. Và chúng tôi có thể làm ra 500 chiếc tai nghe trung bình một ngày.”

Nhưng cuộc sống của những người làm ra những món đồ tuyệt vời này như thế nào? Để có được trải nghiệm trong nhà máy, tôi tham gia vào một bữa ăn trưa cùng họ. Thật khó để nói bất cứ điều gì không tốt về cuộc sống của công nhân nhà máy này. Hầu hết những người này đến từ các vùng quê, thường để lại gia đình để đi làm. Trung bình họ sẽ dành khoảng hai năm ở Thâm Quyến, cố gắng làm việc ngoài giờ để tiết kiệm nhiều tiền nhất có thể. 

Luke chỉ là một trong số rất nhiều doanh nhân đến Thâm Quyến đặt nhà máy sản xuất. Ở đây có một bối cảnh rất khởi sắc cho các công ty khởi nghiệp phần cứng muốn phát triển nhanh và tạo ra mọi thứ. Có thể tìm thấy rất nhiều người ở đây, tại một vườn ươm khởi nghiệp tên là Hax. Ý tưởng ở đây rất đơn giản là giúp các công ty khởi nghiệp xây dựng một mẫu thử nghiệm, sau đó kết nối chúng với các nhà máy có thể bắt đầu sản xuất hàng nghìn sản phẩm của họ. 

Đây là Jamie, một người niềm nở, giám đốc công ty khởi nghiệp ở Anh tên là Carv. 

Anh JAMIE SALTER, Giám đốc Công ty Kỹ thuật CARV: “Chúng tôi sản xuất một “huấn luyện viên” trượt tuyết kỹ thuật số. Nó giống như một miếng lót bạn đặt vào giày trượt tuyết của mình và nó dạy bạn cách trượt tuyết tốt hơn. Bạn nhận được hướng dẫn qua tai nghe.”

Giống như nhiều công ty khởi nghiệp khác ở đây, Carv bắt đầu công việc khởi nghiệp một cách khiêm tốn. Bây giờ, chỉ vài năm sau, công ty của anh sản xuất được 5000 sản phẩm mỗi tháng.

Anh JAMIE SALTER, Giám đốc Công ty Kỹ thuật CARV:Ở Thâm Quyến, mọi thứ rẻ hơn rất nhiều - nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như trong giai đoạn phát triển sản phẩm cần các vật liệu khác nhau được in hoặc gia công 3D. Chúng tôi nhận được mọi thứ ở đây với một nửa chi phí và tốc độ nhanh gấp đôi. Đôi khi nhanh gấp tận 7 lần.”

Để cảm nhận năng lượng tốc độ cao đó, tôi cùng Jamie băng qua đường để đến khu chợ Huaqiangbei nổi tiếng. Đây là nơi các nhà máy trưng bày sản phẩm của họ cho những người mua tiềm năng, đó là tôi và rất nhiều người khác ở đây. Nếu anh muốn tìm nhà sản xuất, đến với Huaqiangbei. Đây cũng là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm những gì thiếu cho sản phẩm của bạn, đó là lý do tại sao bạn đụng độ những người khác từ Hax đang đi lang thang tìm kiếm. Thực tế là trong một giờ vừa qua tôi nhận thấy một hiện tượng hoàn toàn phi thường. Đó chính là “tốc độ Thâm Quyến”. 

40 năm trước, Thâm Quyến không có gì từ những tòa nhà, con đường. Giờ đây, thành phố này có 13 triệu dân và đang lớn mạnh. Các công xưởng mọc lên, sản xuất những mặt hàng điện tử, tiêu dùng. Từ một trung tâm chuyên sản xuất những mặt hàng gia dụng hay dệt may đơn giản, Thâm Quyến hiện đã là một trung tâm công nghệ thông tin với các tập đoàn khổng lồ, bao gồm Tencent, ZTE và Huawei. Những công ty khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ khi dễ dàng truy cập những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể thấy, với nhiều chính sách thông thoáng, ưu đãi, cùng hàng loạt các vườn ươm công nghệ được thành lập với những khoản hỗ trợ lớn cho các ý tưởng sáng tạo, nhằm thu hút các công ty khởi nghiệp, Thâm Quyến - biểu tượng thành công sau 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến của những tập đoàn công nghệ. Và có thể, hàng chục năm sau, những công ty non trẻ của ngày hôm nay sẽ lại trở thành những cái tên lớn, tương tự như Huawei hay Tencent.

Hồng Nhung