Nhìn ra thế giới: Lạc đà linh vật của sự sống tại Kenya

Khô hạn kéo dài. Chỉ có mưa 10 ngày trong năm. Biến đổi khí hậu đã đẩy cuộc sống của người dân Kenya tới ngưỡng cửa đói nghèo với nhiều khó khăn trong đời sống sản xuất và sinh hoạt thường ngày. Trong bối cảnh này, với khả năng sinh tồn trong điều kiện khô hạn, lạc đà đã trở thành linh vật của sự sống.

Lạc đà là người bạn đồng hành đắc lực của người dân Kenya. Và sữa lạc đà được người dân Kenya coi là "vàng trắng" giúp họ vượt qua đói nghèo.

Ông SALAH ABDINOOR ISSACK, Nông dân: “Vào sáng sớm, khi vừa thức dậy, tôi sẽ ngay lập tức tới thăm bầy lạc đà của mình. Sau khi cầu nguyện vào buổi sáng, tôi sẽ bắt đầu lấy sữa lạc đà. Tôi thường vắt sữa lạc đà từ khi tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời lên hẳn. Tôi bắt đầu chăm sóc lạc đà khi tôi mới chỉ là 1 đứa trẻ 7 tuổi. Tôi không thể ngủ được khi không có lạc đà bên cạnh. Tôi thực sự yêu bầy lạc đà của mình.” 

LẠC ĐÀ – LINH VẬT CỦA SỰ SỐNG

Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình tại Hadado, một ngôi làng ở phía Bắc Kenya. 

“Nếu tình trạng hạn hán kéo dài và không có nước, lạc đà có thể sống qua 1 tháng mà không cần uống nước. Kể cả khi chúng có khát đi chăng nữa, chúng vẫn có thể sản sinh ra sữa. Tôi cảm tưởng như lạc đà là loài vật không hề có điểm yếu. Tôi sẽ không đánh đổi con lạc đà của mình lấy bất cứ thứ gì.”

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Lạc đà là loài thích nghi rất tốt với biến đổi khí hậu. Có thể nói chúng đã trải qua một quá trình tiến hóa kéo dài hàng thế kỷ để hình thành nên khả năng chống chọi với khí hậu khô và nóng. Nhiều người nghĩ rằng, lạc đà là loài động vật dễ nổi nóng khi gặp phải những tác động từ bên ngoài. Nhưng sự thực là, khi bạn dành thời gian để làm quen với một chú lạc đà, và khi bạn đã giành được lòng tin từ chúng, thì chúng lại trở thành người bạn vô cùng thân thiện. Lạc đà là loài động vật khác thường và vô cùng đặc biệt.”

“Sữa lạc đà giúp cho con người khỏe hơn. Sau khi uống sữa lạc đà xong, bạn có thể tung cả một người lên trời, hoặc vật một người xuống đất một cách dễ dàng.”

“Nếu bạn sống với những chú lạc đà, bạn sẽ không cần đến bác sĩ. Bạn sẽ chẳng bao giờ cần phải đến bệnh viện. Tôi có thể đảm bảo điều này. Vì tôi chưa phải đi khám bệnh bao giờ cả. Lần duy nhất tôi phải đến bệnh viện là khi tôi bị tấn công bởi một con sư tử. Chuyện đó xảy ra từ 30 năm về trước.”

“Chúng tôi vận chuyển sữa bằng phương tiện này. Từ việc bán sữa lạc đà, mà tôi có thể mua trà để uống, có thể mua gạo để ăn. Tôi có thể giúp đỡ người thân của mình. Tôi dựa vào bầy lạc đà để sống.”

SỮA LẠC ĐÀ “VÀNG TRẮNG” CỦA NGƯỜI DÂN KENYA

Sữa lạc đà được người dân Kenya coi là “vàng trắng”. Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, sữa lạc đà có thể giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, ngăn ngừa tiểu đường và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác. Nhờ vậy mà sữa lạc đà còn được coi là một loại siêu thực phẩm. 

Đây là thị trấn Wajir, nơi sữa lạc đà của ông Salah sẽ được chuyển đến tay người mua. 

Bà HALIMA SHEIKH, Người bán sữa lạc đà: “Lạc đà sống rất xa nơi này. Nơi gần nhất có lạc đà cũng cách Wajir hơn 80km. Người ta sẽ vận chuyển sữa lạc đà bằng xe máy, và phải đi từ sáng sớm tinh mơ. Sữa lạc đà sẽ được chuyển đến đây vào khoảng 10h sáng…. Tôi bán sữa lạc đà cho những khách hàng muốn uống sữa tươi. Sữa lạc đà cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Và cũng có nhiều người mua sữa lạc đà cho người lớn tuổi uống. Sữa lạc đà tươi thường không được đun lên. Khi uống vào, sữa sẽ được cơ thể hấp thụ.”

Ông YUSSUF ABDI GEDI, Bộ trưởng Chính quyền địa phương: “Bạn biết đấy, phần lớn người dân Kenya làm nghề nông hoặc chăn nuôi. Hơn 60-70% dân số tại Kenya sống dựa vào chăn nuôi. Cộng đồng Somali tại Kenya tin rằng, loài vật tốt nhất mà bạn có thể nuôi chính là lạc đà. Và khi người Kenya bị ốm, có một bài thuốc dân gian là trộn sữa lạc đà với nước tiểu. Sau khi uống hỗn hợp này, chúng tôi sẽ ngay lập tức khỏe lại. Trở lại ngay như bình thường.”

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Sữa lạc đà không chỉ được coi là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mà còn được coi như một bài thuốc. Thành phần có trong sữa lạc đà rất đa dạng, chúng ta có thể thấy sữa lạc đà có protein, các-bon hy-đrat, có cả axit béo. Điều này khiến mọi người tin rằng, sữa lạc đà có nhiều dưỡng chất hơn các loại thực phẩm khác. Hơn thế nữa, sữa lạc đà còn có thể chứa hàm lượng vitamin C rất lớn. Vì vậy, đối với một cộng đồng không có thói quen ăn nhiều rau hay hoa quả, thì sữa lạc đà là nguồn cung cấp vitamin C vô cùng quý giá, giúp mọi người cân bằng dinh dưỡng.”

Biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề tại Kenya, với nhiệt độ quanh năm thường xuyên ở mức trên 30 độ C. 

Ông YUSSUF ABDI GEDI, Bộ trưởng Chính quyền địa phương: “Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đôi lúc, chúng tôi phải đối mặt với lũ lụt. Nhưng số ngày có mưa trong 1 năm thì lại vô cùng hiếm hoi. Có lẽ cả năm thì chỉ có 10 ngày có mưa mà thôi. Sự thật thì biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến các loài gia súc nhiều hơn là đối với lạc đà. Vì gia súc thông thường không thể sống quá 1 ngày hoặc 2 ngày mà không có nước. Thế nhưng lạc đà có thể trải qua 30 ngày hoặc 3 tuần mà không cần một giọt nước nào. Chúng có thể sống sót trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt.”

Ông ABDI GEDI, Nông dân Kenya: “Tôi đã làm nghề chăn gia súc được 22 năm. Đã có những thời điểm, hạn hán cướp đi tất cả những gì mà chúng tôi có. Nếu chúng tôi không thể tìm được cỏ cho đàn gia súc của mình, thì chúng sẽ không thể cho sữa được. Chúng tôi đã chứng kiến những hiện tượng biến đổi khí hậu bằng chính con mắt của mình. Đó không phải là một điều gì đó xa vời mà chúng tôi chỉ nghe thấy trên radio. Và sự thực là chúng tôi cũng không mấy khi được nghe radio.”

Ông YUSSUF ABDI GEDI, Bộ trưởng Chính quyền địa phương: “Một tác động khác của biến đổi khí hậu là… Vì rất nhiều người đã và đang dần mất đi đàn gia súc của mình. Họ phải trở về sống tại những ngôi làng hẻo lánh và ở đó họ không có công việc. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Chúng tôi có một thế hệ thanh niên không có kĩ năng, không có nghề nghiệp. Tỷ lệ phạm tội tăng lên. Họ rất dễ bị kích động bởi những tổ chức như Al Shabaab. Mối nguy là rất lớn. Những tổ chức như vậy tập trung lôi kéo những người trẻ. Và những việc như vậy đang xảy ra ở ngày càng nhiều gia đình. Mối nguy đang tồn tại ngay bên cạnh chúng ta. Chúng tôi đang sống trong một môi trường không mấy an toàn.”

Theo thống kê của chính phủ Kenya, kể từ tháng 8/2018, số người cần trợ giúp về lương thực tại quốc gia này đã tăng tới 70%, đạt 1,1 triệu người, do tác động của hạn hán nghiêm trọng. 

Bà HALIMA SHEIKH, Người bán sữa lạc đà: “Tôi đã bán sữa được 15 năm nay. Và nhờ vào bán sữa lạc đà, mà tôi có thể kiếm tiền để mua trà, mua sữa và cả trả nợ nữa. Tôi còn có tiền để đóng học phí cho các con. Tôi chẳng còn gì khác cả. Nếu tôi không có mấy thùng sữa này, chắc tôi sẽ phải ngồi nhà thôi. Tôi sẽ chẳng có lương thực để sống.”

Ông YUSSUF ABDI GEDI, Bộ trưởng Chính quyền địa phương: “Lạc đà đã trở thành trụ cột, là chỗ dựa về kinh tế của chúng tôi ngay từ những năm tháng đầu đời. Nhưng đầu tiên, chúng tôi vẫn còn vô cùng mông lung. Khi ấy, không nhiều người biết về lạc đà, không ai biết rằng có thể uống sữa của lạc đà. Chính vì vậy, không có ai đầu tư vào lĩnh vực này.”

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành trên toàn thế giới, tập trung vào các lĩnh vực giàu tiềm năng, từ đó giúp con người nâng cao năng suất sản xuất lương thực. Tuy nhiên, các khu vực sa mạc lại thường bị bỏ qua. Nhưng từ những đặc tính nổi trội của sữa lạc đà, có thể khu vực này sẽ thu hút sự chú ý và trở thành vùng sản xuất sữa được chú ý.”

Nếu chúng ta có thể tiến hành một nghiên cứu để thông tin cho cả thế giới rằng có nhiều ưu điểm từ sữa lạc đà, thì tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể bán sữa lạc đà. Và điều đó sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế của chúng tôi.”

Chị FATIMA OSMAN AHMED, Nhà sản xuất sữa lạc đà: “Tôi bắt đầu bán sữa trên đường phố cũng khá lâu rồi, khoảng 2 năm về trước. Chúng tôi đã tập hợp với nhau thành một đội và cùng quyết định rằng, chúng tôi sẽ cùng nhau tiến xa hơn. Và chúng tôi đã nảy ra sáng kiến này. Đó là chế biến sữa lạc đà. Chúng tôi đang đợi sữa lạc đà được mang đến. Khoảng cách di chuyển là rất xa. Và điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều. Có thể chúng tôi sẽ không nhận được sữa đúng giờ. Và bạn có thể thấy đấy, tại Wajir, tỉ lệ sữa bị hỏng lên tới 40%. Tận 40%. Nhưng chúng tôi không có cách nào khác là ngồi đây và đợi sữa được chuyển đến. Chúng tôi không còn khả năng nào khác. Điều duy nhất có thể làm là kiên nhẫn chờ đợi.”

“Sữa được giao đến vẫn ổn. Tôi rất vui vì sữa không bị hỏng. Bây giờ, chúng ta sẽ đến với bước tiệt trùng. Vì nếu chỉ để sữa như thế này trong khoảng 20 phút nữa thôi thì có thể chất lượng sữa sẽ không còn được như cũ nữa. Hiện nay, mọi người vẫn quen uống sữa lạc đà tươi hơn là sữa đã được tiệt trùng, vì sữa tươi thì có nhiều dưỡng chất hơn. Có những người ốm, có thể họ còn bị tiểu đường hoặc cao huyết áp nữa, họ đều thích uống sữa lạc đà, vì sữa lạc đà rất tốt cho cơ thể. Tôi bán sữa lạc đà cho các siêu thị, giao cho các khách sạn, bán cho người dân trong thị trấn, và giao sữa cả cho các bệnh viện. Một vài nhân viên bệnh viện tới tận đây để lấy sữa. Và có cả những công chức cũng tới đây để mua sữa. Việc bán sữa lạc đà đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Ước mơ lớn nhất của tôi là vượt ra khỏi nơi mình đang sinh sống, vươn tới các cộng đồng khác nữa, để sản phẩm của chúng tôi có thể tiếp cận với thị trường lớn hơn. Theo thời gian, tôi tỉn rằng chúng tôi có thể làm được điều đó.”

Điểm đến tiếp theo trên hành trình của chúng ta là thị trấn Nanyuki. Sữa lạc đà đã dần được người dân tại nhiều nơi ở Kenya biết đến. Có thể kể đến Laikipia, Samburu, Pokot, Kajiado, Narok và nhiều địa phương khác nữa. 

Ông JAMA WARSAME, Giám đốc điều hành Công ty sữa lạc đà White Gold: “Tôi sống ở bang Georgia, Mỹ trong vòng 20 năm qua. Sau đó, tôi đã quyết định trở lại Kenya. Tôi tin tưởng rằng, sữa lạc đà chính là thế hệ sữa tiếp theo. Hầu hết mọi người hiện nay đang theo đuổi lối sống khỏe mạnh và họ tin rằng sữa lạc đà có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Vì vậy, rất nhiều người giàu có, ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang muốn uống sữa lạc đà. Có rất nhiều người biết đến sữa lạc đà từ sự giới thiệu của các bác sĩ. Chúng tôi đang phối hợp với các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu. Cứ 3 tháng các nhà nghiên cứu lại tới đây, và lấy các mẫu sữa lạc đà. Hiện giờ chúng tôi cũng đang phối hợp với các bác sĩ về dị ứng và cả những người không dung nạp được sữa thông thường, và phản hồi của họ là rất tích cực.”

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Tôi nghĩ rằng những nghiên cứu đang được tiến hành hiện nay đã bắt đầu chỉ ra những ưu điểm độc đáo của sữa lạc đà. Có thể thấy rằng bước đầu các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa lạc đà rất tốt cho trẻ nhỏ, cải thiện giấc ngủ và khả năng tập trung. Một số nghiên cứu đang tìm hiểu cơ chế tác động của sữa với người bị bệnh tiểu đường, bước đầu cho thấy sữa lạc đà có thể tác động đến lượng đường trong máu. Những bằng chứng đang dần được thu thập.”

Ông JAMA WARSAME, Giám đốc điều hành Công ty sữa lạc đà White Gold: “Hiện giờ chúng tôi chưa thể xuất khẩu sữa lạc đà. Nhưng tôi có thể tự hào nói rằng, bạn có thể tìm thấy sản phẩm sữa lạc đà của chúng tôi tại rất nhiều siêu thị trên toàn Kenya. Đó là thành quả của những nỗ lực trong thời gian qua.”

Kenya hiện là nhà sản xuất sữa lạc đà lớn thứ hai trên thế giới, sau Somalia. Và điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình của chúng ta sẽ là thủ đô Nairobi. 

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Đây là bức ảnh của tôi và vợ của tôi. Chúng tôi kết hôn tại Nanyuki. Và đứng cạnh chúng tôi là một chú lạc đà. Chúng tôi đã rời khỏi đám cưới trên lưng một chú lạc đà.”

“Tuổi thơ của tôi đã gắn bó với sa mạc từ rất sớm. Từ khi còn là một thiếu niên, tôi đã dành nhiều thời gian tại khu vực phía bắc Kenya. Hiện nay, tôi đang tiến hành một nghiên cứu về việc sản xuất sữa lạc đà. Gia đình tôi có truyền thống gắn bó với loài lạc đà. Và tôi nghĩ rằng truyền thống đó sẽ còn được tiếp nối.”

“Sự chú ý và hứng thú của thị trường quốc tế đối với sản phẩm sữa lạc đà có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Cơ hội xuất khẩu sữa lạc đà ra thị trường thế giới là vô cùng hấp dẫn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần phải đảm bảo sữa lạc đà được cung cấp và sử dụng một cách hiệu quả tại Kenya cũng như các nước lân cận, nơi suy dinh dưỡng đang là một vấn đề cấp bách. Mặt khác, một trong những lợi ích của sữa lạc đà mà bạn có thể cũng đã nghe qua đó là sữa lạc đà có thể giúp giảm cân. Sữa lạc đà có tác động tốt tới cholesterol, béo phì và vì vậy sẽ rất thích hợp với tình trạng dinh dưỡng tại các nước phương Tây.”

Anh HASSAN AHMED, Người dân Kenya: “Với những tác dụng tích cực từ việc uống sữa lạc đà, có thể thấy rằng, ngày càng có nhiều cư dân thành thị chú ý đến thức uống này.”

“Chúng ta đang có mặt tại khu trung tâm kinh tế tại Nairobi, khi bạn tới một nhà hàng bất kỳ và gọi đồ uống là trà, thì người phục vụ sẽ mang ra cho bạn một cốc trà được pha với sữa lạc đà. Bạn thậm chí không cần phải yêu cầu cụ thể.”

Anh HEIKAL OMARI, Quản lý nhà hàng: “Chúng tôi có nhiều loại đồ uống khác nhau được chế biến từ sữa lạc đà. Ví dụ như chúng tôi có sữa chua từ sữa lạc đà, chúng tôi có café latte được pha chế với sữa lạc đà. Các loại đồ uống này đều được thực khách rất yêu thích.”

“Sữa lạc đà giúp tôi tiêu hóa tốt hơn và cung cấp cho tôi nhiều năng lượng, bạn có thể cảm nhận được ngay sau khi uống. Tôi có cảm giác sữa lạc đà còn giống như một liệu pháp detox – thải độc vậy.”

Ông PIERS SIMPKIN, Điều phối viên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc: “Dân số toàn cầu đang không ngừng gia tăng. Và thế giới đang phải đối mặt với áp lực sản xuất đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Chúng ta đều biết rằng ngành chăn nuôi đang gặp phải những khó khăn chưa từng có do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Ở một số quốc gia, tình trạng hạn hán kéo dài với lượng mưa ít ỏi, ở một số nước khác lại có quá nhiều mưa. Và lạc đà chính là loài động vật có thể đồng hành với chúng ta giải quyết vấn đề này. Lạc đà chính là loài động vật của tương lai.”

Kim Ngọc