Nhìn ra thế giới: Chung tay bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống

Trong dòng chảy bất tận của thời gian, các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống luôn đóng một vai trò quan trọng, là nền tảng phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển nhanh chóng của thời đại, các giá trị lịch sử đang dần bị mai một, bị đe dọa, thậm chí đối mặt với nguy cơ biến mất mãi mãi.

TRUNG QUỐC NỖ LỰC BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Trung Quốc nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc, trong đó không thể không nhắc tới Kinh kịch. Đây là loại hình sân khấu đặc sắc của đất nước tỷ dân, mang đậm nét văn hóa thuần túy Á Đông. Sức hút của Kinh kịch đến từ nhiều yếu tố, từ cốt truyện, nhạc cụ, trang phục, cách trang điểm, đến các vai diễn, tất cả đều mang trong mình một nét bí ẩn quyễn rũ vì vậy phải chú tâm đi thật lâu, thật xa mới thấy được cái hay, cái tinh túy của vở kịch.

Nhằm nỗ lực bảo tồn và truyền bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến gần hơn với thế hệ trẻ, hai nghệ sĩ trẻ Hồng Kông vừa thực hiện chuyến lưu diễn kinh kịch Quảng Đông nhân dịp kỷ niệm 25 năm Hồng Kông trở về Trung Quốc đại lục.

Trong những năm gần đây, chính quyền Hồng Kông, đã phối hợp với các cơ quan văn hóa và nghệ sĩ biểu diễn kinh kịch Quảng Đông (Hồng Công), Macao…nhằm tăng sự giao lưu và đưa kinh kịch Quảng Đông được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. Giờ đây, kinh kịch Quảng Đông đang được biểu diễn hầu như hàng ngày ở Hồng Kông. 

Là một người yêu thích kinh kịch, chị Tạ Hữu Anh đã đi đến nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô để tìm hiểu về loại hình nghệ thuật biểu diễn này trong hơn mười năm qua. Lấy cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên khắp đất nước, nữ nghệ sỹ này còn viết ra nhiều vở kịch mới rất ấn tượng.

Tham gia chuyến lưu diễn này còn có anh Đàm Vịnh Lâm, một nghệ sĩ biểu diễn kinh kịch Quảng Đông người Hồng Kông, 29 tuổi. Làm quen với kinh kịch từ khi còn nhỏ, anh Lâm luôn tâm niệm rằng mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của kinh kịch. 

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, Trung Quốc còn mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của kinh kịch đến với bạn bè thế giới.

Mới đây, một sự kiện kéo dài 5 ngày với chủ đề Kinh kịch Tần Xoang, đã được tổ chức tại Tây An, thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của nhiều người nước ngoài đến từ Anh, Italia, Brazil, Venezuela và Guatemala. Nhiều du khách còn thử biểu diễn kinh kịch và có những trải nghiệm thú vị. 

Kinh kịch Tần Xoang phát triển mạnh ở các khu vực Tây Bắc của Trung Quốc như Cam Túc, Thiểm Tây, Thanh Hải, Ninh Hạ, Tân Cương, và đã được thêm vào danh sách di sản phi vật thể Trung Quốc vào năm 2006.

BẢO TÀNG CỐ CUNG HONG KONG NHỊP CẦU KẾT NỐI QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Cũng nằm trong nỗ lực bảo tồn các giá trị truyền thống, mới đây, Bảo tàng Cố Cung Hồng Kông đã chính thức mở cửa đón du khách. Đây là cơ hội tuyệt vời để gắn kết thế hệ trẻ với các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của Trung Quốc.

Trải rộng hơn 30.000 mét vuông, bảo tàng trưng bày hơn 900 hiện vật được mượn từ Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh trong Tử Cấm Thành, bao gồm các bức chân dung từ triều đại nhà Thanh, thư pháp và gốm sứ. Trong số đó, có 166 hiện vật được coi là “bảo vật quốc gia”.

Ngoài 5 phòng triển lãm dành riêng cho bộ sưu tập của Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, tại 4 phòng triển lãm còn lại của bảo tàng, người xem sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các bộ sưu tập nghệ thuật của Hồng Kông cũng như các tác phẩm nghệ thuật đến từ Bảo tàng Cung điện Louvre ở Pháp. Điều này không chỉ là sự kế thừa văn hóa truyền thống Trung Hoa mà còn thúc đẩy sự giao lưu giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có khoảng 40 dự án đa phương tiện. Thông qua các phương tiện nghe nhìn, những câu chuyện đằng sau các hiện vật văn hóa sẽ được kể lại để khán giả có thể hiểu rõ hơn về mỗi hiện vật trưng bày. Tại Bảo tàng còn có không gian ẩm thực và nghỉ ngơi để mang đến cho khách tham quan một trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Bảo tàng Cố Cung Hồng Kông được khởi công xây dựng vào tháng 3/2019 và hoàn thành vào tháng 12/2021. Tòa nhà của Bảo tàng bao gồm 7 tầng, nằm ở Khu Văn hoá Tây Cửu Long. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 446 triệu USD.

Bảo tàng được ví như một nhịp cầu văn hóa kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục và thế giới. Bảo tàng này còn được xem như một món quà dành cho người dân nhân dịp xứ Cảng Thơm kỷ niệm 25 năm ngày trở về với Trung Quốc đại lục.

YEMEN TRÙNG TU THÀNH CỐ SANAA

Cùng với vết tích của thời gian, chiến tranh và xung đột cũng là những yếu tố đe dọa hủy hoại các di tích lịch sử của nhân loại.

Tại Yemen – đất nước đang chìm trong cuộc chiến dai dẳng, một kế hoạch trùng tu quy mô lớn đang được triển khai tại thành phố cổ Sanaa. Các công nhân xây dựng đang cẩn thận sử dụng ròng rọc và dây thừng để gia cố các vết nứt và những hư hại trên các công trình cổ, nơi từng là nạn nhân của các vụ pháo kích dữ dội suốt nhiều năm qua.

Nổi tiếng với những ngôi nhà làm từ gạch bùn độc đáo và những khu chợ đường đi phức tạp như mê cung, Thành phố cổ Sanaa xinh đẹp đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1986. Hiện thành cổ Sanaa vẫn là nơi sinh sống của người dân trong suốt 2500 năm tồn tại. Ở đây, hàng ngày phụ nữ vẫn trùm khăn đi chợ, trẻ em vẫn chơi bổ quay ngoài đường và những gia đình vẫn sống trong những căn nhà cao 6,7 tầng.

Thành cổ Sanaa và miền bắc Yemen đã phải đối mặt với hàng nghìn cuộc không kích từ liên minh do A Rập Xê-út dẫn đầu can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này vào năm 2015 sau khi lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận vào năm 2014.

Vào tháng 4/2022, các bên đã đồng ý về đề xuất ngừng bắn của Liên Hợp Quốc nhằm đình chỉ các cuộc tấn công trên không, trên biển và trên bộ đồng thời cho phép hàng nhập khẩu vào các cảng biển do Houthi kiểm soát và mở cửa trở lại một phần sân bay Sanaa. Thỏa thuận này là thỏa thuận toàn diện đầu tiên trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và đẩy Yemen đến bờ vực của nạn đói.

Theo giới chức địa phương, khoảng 5.000 tòa nhà đã bị hư hại, trong đó có 380 tòa nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sắp đổ sập tại các khu dân cư của thành cổ Sanaa.

Là một đất nước mà đa phần diện tích là núi non và sa mạc nằm ở phiá dưới cùng của bán đảo A-rập, Yemen nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng rất phong phú về văn hoá, lịch sử và phong cảnh thiên nhiên. Dẫu biết rằng, quá trình trùng tu thành cổ Sanaa sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng hy vọng, nhờ sự chung tay của cộng đồng trong nước và quốc tế, vẻ đẹp huyền bí của Sanaa sẽ sớm được trở lại, vẹn nguyên như thuở ban đầu. 

MEXICO BẢO TỒN NỀN VĂN MINH CỔ ĐẠI AZTEC

Nằm ở khu vực Bắc Mỹ, Mexico không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên đẹp đến mê hoặc, hấp dẫn du khách, mà còn được biết đến là cái nôi ra đời của 2 nền văn minh cổ đại lớn nhất Châu Mỹ là Maya và Aztec. 

Trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa trước sự đe dọa của thời gian và thiên tai, suốt 14 tháng qua, một nhóm gồm hơn 80 kỹ sư, nhà khảo sát, phục chế, kiến trúc sư và nhà khảo cổ học đã nỗ lực hết mình để bảo vệ một phần của một trong những địa điểm lịch sử và quan trọng nhất của Mexico, khu phức hợp Templo Mayor - mà người Aztec cho là trung tâm của vũ trụ.

Một phần mái che của House of Eagles – một công trình kiến trúc cổ thuộc khu vực di tích 500 tuổi này, đã bị đổ sập trong một cơn bão xảy ra vào tháng 4 năm 2021. Nhờ nỗ lực của nhóm phục chế, một mái che mới đã được thiết kế dành riêng cho địa điểm này, tiếp giáp với tàn tích của Templo Mayor - ngôi đền linh thiêng nhất của người Aztec, và sẽ được đưa sử dụng vào tháng 9. 

Đây được đánh giá là một nhiệm vụ khá khó khăn và phức tạp khi phải thiết kế lại một mái che đủ rộng và đủ vững chắc để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và bảo vệ một khu vực bao gồm rất các tác phẩm điêu khắc phù điêu được chạm khắc công phu và các bức tranh tường sống động. 

Trong quá trình trùng tu, nhóm phục chế đã xây dựng một sàn gỗ, có chỗ thông gió để ngăn nấm phát triển, đặt lên trên phần sàn hiện tại, mà người Aztec xây dựng bằng vữa, kết hợp vôi và chất nhờn từ cây xương rồng.

Di sản vốn rất dễ bị tổn thương trước những tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Theo các chuyên gia, những tác động của biến đổi khí hậu, như mùa mưa kéo dài hơn, thời tiết nắng nóng và lạnh bất thường - là những yếu tố đe dọa các công trình kiến trúc cổ đại. Do đó, việc thích ứng với tự nhiên là điều cần phải được tính toán, để các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống cổ xưa có thể được lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Đinh Giang