Ngành Giáo dục loay hoay với bài toán thiếu giáo viên nhưng vẫn phải tinh giản biên chế

Sáng ngày 25/02, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo; cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm.

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, hiện vẫn còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu nhà giáo theo cấp học, môn học và vùng miền; chất lượng của một bộ phận đội ngũ nhà giáo còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn. Về biên chế giáo viên, vẫn còn tình trạng thiếu số lượng lớn; thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương, trong từng cấp học, từng môn học. Đặc biệt, các môn mới được triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để giải quyết vấn đề này hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc: Quan điểm của Đảng yêu cầu tinh giản biên chế trong khi mong muốn và nhu cầu của ngành giáo dục và các địa phương đều đề xuất theo hướng tăng thêm; cơ cấu chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương và nhìn chung chưa hợp lý, chưa bảo đảm tỷ lệ chi cho con người tối đa 82%, chi cho hoạt động giảng dạy, học tập tối thiểu 18%. Thiếu chính sách thu hút nên các địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng cao khó tuyển giáo viên một số bộ môn.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Mấy năm chúng ta mới có 1 đợt tuyển, tuyển thì ít nhưng vẫn cứ giảm 10% thì mức thiếu càng trầm trọng hơn. Nhu cầu huy động trẻ đến trường ngày càng nhiều, chương trình phổ cập và những môn mới còn mấy năm nữa sẽ tăng lên. Dân số tăng, mất cân đối giữa các vùng cũng tăng trong khi nhu cầu về chất lượng giáo dục chúng ta ngày càng cao. Chất lượng cao thì số lượng giáo viên, sinh viên phải giảm xuống. Các giải pháp khác chỉ là đáp ứng tình thế và đi theo". 

Chính sách lương của nhà giáo còn chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ. 

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Với những giáo viên mầm non ở những nơi có điều kiện thì nếu chúng ta tính mặt bằng lương thì tầm 7 triệu nhưng giáo viên mới ra trường thì lương chỉ triệu ba đến 4 triệu đông thôi. Với mức lương như vậy thì không thể đáp ứng dược cuộc sống của giáo viên mới ra trường rồi. Người ta học đại học và cao đẳng ra nhưng tiền lương không đủ đáp ứng. Cho nên chính vì vậy chúng ta đang chờ để sửa đổi nghị định 27 thì chúng ta phải nghiên cứu thêm để tiếp tục cái chu cấp đối với giáo viên"

Cơ chế, chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập; việc triển khai thực hiện chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả: công tác điều động, luân chuyển giáo viên thực hiện chưa nghiêm; chủ trương lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhiều năm chưa được thực hiện; chính sách đối với giáo viên ngoài biên chế (BHXH), giáo viên ngoài công lập.

Tại Phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt các câu hỏi thẳng thắn với bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bộ trưởng Bộ Nội vụ về những giải pháp để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục./.

Hồng Dũng