• 1725 lượt xem
  • 06:19 18/07/2022
  • Văn hóa

Nghệ sĩ Việt và văn hóa ứng xử khi đi nước ngoài

Theo con số thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm trở lại đây có 25.000 người Việt Nam khi đi nước ngoài bị trục xuất trở về nước. Có rất nhiều nguyên nhân, lý do xảy ra tình trạng trên tuy nhiên nó cũng báo động về vấn đề văn hoá ứng xử của người Việt khi ra nước ngoài và trong số đó có những người mang danh nghệ sĩ.

Ở nước ta, quanh năm luôn có những nghệ sĩ đi ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau, có thể là việc công như đi biểu diễn, giao lưu văn hoá, tham gia các sự kiện chính trị xã hội, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, hay đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi. 

Với những sự kiện này, các nghệ sĩ của chúng ta thường tự thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc giữ gìn hình ảnh của mình như giữ gìn hình ảnh tốt đẹp cho đất nước. Tuy nhiên, khi một số nghệ sĩ ra nước ngoài với mục đích cá nhân thì đã có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra, khiến cho việc xây dựng hình ảnh về con người Việt Nam nhiều năm qua ở góc độ nào đó bị ảnh hưởng. Và đáng tiếc trong số đó có những nghệ sĩ thuộc sự quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà báo chí đề cập trong thời gian gần đây. 

Cho dù chưa rõ đúng sai nhưng những ồn ào và hệ lụy mà gia đình họ đang phải đối mặt và cả việc họ đi nước ngoài mà cơ quan chủ quản lại không biết, hoặc chưa đồng ý trên giấy tờ thì cũng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, các nghệ sĩ không biết Luật Viên chức, chủ quan hay là coi thường những quy định của nhà nước. Và trách nhiệm của những nhà quản lý trong việc phổ biến và nhắc nhở các nghệ sĩ về quy định của pháp luật.

Ông BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: “Ở đây, chúng ta thấy việc quản lý nghệ sĩ là một công việc hết sức phức tạp và nhạy cảm vì nghệ sĩ họ là những con người của nghệ thuật, của sáng tạo, chính vì thế trong nhiều các cơ quan đơn vị, tổ chức của nhà nước đôi khi quản lý nghệ sĩ thường có một cơ chế hoặc một cách thức để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ, chính vì thế nên người nghệ sĩ có thể không tuân thủ hoàn toàn như những người làm việc trong lĩnh vực hành chính khác. 

Và trường hợp vừa qua một lần nữa khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc quản lý những nghệ sĩ trong môi trường hành chính, trong một cơ quan xí nghiệp của nhà nước và câu chuyện này chắc chắn sẽ cần có những chế tài nhất định phải có những chấn chỉnh nhất định từ câu chuyện nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, của người nghệ sĩ cũng như cần phải có những quy định phù hợp hơn đối với nghệ sĩ.” 

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên THQHVN, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng những vụ việc đã xảy ra không thể cứ nói do nghệ sĩ không hiểu biết về luật pháp, quan trọng nhất đó chính là ý thức, là nhân cách của nghệ sĩ đó như thế nào? Nghệ sĩ là người của công chúng, chính thế nên những hành vi tiêu cực của họ càng được xã hội quan tâm và lên án nhiều hơn.  

Năm 2021, Bộ VHTT&DL đã ban hành bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, với nội dung chính là giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam hay là quy tắc xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả…Tuy nhiên, bộ quy tắc không quy định các chế tài xử lý vi phạm mà chỉ quy định những biện pháp mang tính khuyến nghị, đề nghị và dẫn chiếu đến các quy định khác và các cơ quan, tổ chức khác để xử lý. 

PGS.TS, Nhạc sĩ  NGUYỄN LÂN CƯỜNG, Trưởng ban Kiểm tra Hội âm nhạc Hà Nội: “Nếu chỉ nói mồm hay nói suông hoặc chỉ yêu cầu người ta nên thế này nên thế khác thì chưa đủ. Có bộ quy tắc thì tốt rồi, nhiều nghệ sĩ cũng đã phải suy nghĩ nhưng chưa đầy đủ. Theo tôi biết một số người cũng có ý kiến như tôi đó là chuyển thành luật và có xử phạt nghiêm minh.” 

Đã là người của công chúng, có sức ảnh hưởng tới công chúng thì người nghệ sĩ phải ý thức được trách nhiệm xã hội của mình. Câu chuyện khi nghệ sĩ Việt đi nước ngoài hôm nay cũng là sự cảnh báo một câu chuyện chung của xã hội. Chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn về việc xây dựng văn hóa ứng xử ngay từ trong nước, sử dụng nền tảng đạo đức như là một hệ điều tiết từ câu chuyện văn hóa ứng xử để khi ra nước ngoài có thể thích nghi với môi trường, văn hoá nơi mình đến và ý thức gìn giữ và lan tỏa phẩm chất, vẻ đẹp của con người Việt Nam. 

Nhật Thảo