Vụ Việt Á: Nếu thực hiện tốt dân chủ làm gì có hàng loạt cán bộ bị xử lý

Thảo luận về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở các đại biểu nhắc lại câu chuyện hàng loạt vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao mới được phơi bày gần đây và cho rằng nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân biết được thông tin thì sẽ tránh được các sai phạm, không để nhúng sâu vào như thời gian vừa qua.

 Nhìn lại những vụ đại án tham nhũng trong thời gian qua cho thấy tất cả những vụ án tham nhũng, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công …  đều thực hiện rất đúng các quy trình. Tuy nhiên, các vụ án này cũng giống nhau ở một điểm là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết. Theo đại biểu nếu chúng ta làm tốt dân chủ ở cơ sở chắc chắn chúng ta sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý như thời gian vừa qua.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi ví dụ như vụ kit test của Việt Á, nếu như chúng ta thực hiện dân chủ ở cơ sở chúng ta công khai thông tin là nhà nước phải mua của Việt Á một kit test với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin là hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/kit test thì chắc chắn chúng ta sẽ không để cho các địa phương, các CDC các tỉnh người ta phải mua với giá như giá của Việt Á bán và sẽ không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua. Hoặc chúng ta quay trở lại vụ của Hà Nội, chủ tịch mua chế phẩm 3C để xử lý ô nhiễm nước, nếu như chúng ta công bố công khai cho người dân biết rằng nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố, chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020, khi đấy phát hiện ra việc này là sai phạm. 

Nhấn mạnh quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước

Ông LƯƠNG VĂN HÙNG, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm "dân giám sát, dân thụ hưởng". Theo đó nghiên cứu bổ sung một điều luật sau mục 5 về nhân dân giám sát tại Chương II để thể chế hóa cơ chế "dân thụ hưởng" vào dự thảo luật gồm các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa giữa người dân phải xin, cho khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi "dân giám sát, dân thụ hưởng"./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam