NATO đánh dấu kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua, các quốc gia thành viên đã thông qua khái niệm chiến lược mới lần đầu tiên sau hơn 10 năm. Nga không còn là “đối tác” mà trở thành “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể đối với an ninh” của các nước trong liên minh.

Ngoài ra, NATO dự kiến sẽ tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 binh sĩ, trong đó sẽ nâng các nhóm tác chiến ở sườn phía Đông lên cấp độ lữ đoàn hoặc sư đoàn.
Đặc biệt, lần đầu tiên Trung Quốc trở thành một chủ đề chính thức và cũng lần đầu tiên các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có mặt tại một hội nghị cấp cao nhất của NATO. 

Trong "khái niệm chiến lược" mới, Trung Quốc được xác định là “thách thức hệ thống” lâu dài đối với liên minh.

Ngày 5/7 tới, NATO sẽ tiến hành việc ký chính thức Nghị định thư gia nhập của Thuỵ Điển và Phần Lan dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước. Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, việc hai nước Bắc Âu này trở thành thành viên sẽ giúp NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và giúp khu vực Châu Âu- Đại Tây Dương ổn định hơn.

Ông JENS STOLTENBERG - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của liên minh. Chúng tôi ở đây để bảo vệ cho tất cả đồng minh, tất nhiên là cả Phần Lan và Thụy Điển. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra.”

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng NATO vẫn đang tìm kiếm lý do và cơ hội để tạo động lực mới cho liên minh với tư cách là một tổ chức quân sự. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva không lo ngại về khả năng gia nhập NATO của Thuỵ Điển và Phần Lan.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Không có bất cứ điều gì có thể khiến chúng tôi lo ngại từ khía cạnh tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển. Nếu họ muốn gia nhập NATO thì xin mời. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu rõ rằng trước đây không hề có bất cứ mối đe doạ nào đối với họ, và nếu các lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng được triển khai ở đó, chúng tôi sẽ phải đáp trả một cách tương xứng”. 

Có thể nói Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua đánh dấu kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược, giữa NATO với các nước được xác định là “mối đe doạ” hay “thách thức hệ thống”. 

Đây là nội dung của cuộc trao đổi ngày hôm nay 2/7 tại trường quay, với vị khách mời là Đại tá LÊ THẾ MẪU, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Như vậy là sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ một tổ chức bị xem là lỗi thời, đã cho thấy sự chuyển mình nhằm thích ứng với những thách thức mới. Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua đã đánh dấu sự định hình một cục diện an ninh mới, với những tác động sâu rộng trong nhiều năm tới.

Lê Yến