Nạn "vàng tặc": Quặng mang đi, chất độc để lại

Như Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phản ánh, vì khai thác vàng trái phép nhiều người đã vĩnh viễn bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc ở các huyện miền núi Quảng Nam. Nhiều năm qua, máu đã rơi và nước mắt vẫn chảy. Nhà nước thất thoát tài nguyên, tốn kém tiền bạc để truy quét vàng tặc. Nhưng, tình trạng khai thác vàng trái phép ở địa phương này vẫn còn nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy.

Tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, sau khi khai thác nhiều tấn vàng, Công ty Vàng Bồng Miêu dừng hoạt động vào năm 2017. Sau đó, doanh nghiệp phá sản, để lại khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2018, công ty này rời địa phương, không đóng cửa mỏ, không khắc phục môi trường. Từ đó đến nay, hàng trăm người vào đây tranh nhau khai thác, mót vàng trái phép.  

Để đãi cát tìm vàng, mọi người phải dùng hóa chất. Hậu quả là nhiều người mắc bệnh dẫn đến tử vong. Việc khai thác vàng trái phép còn có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài cho thế hệ sau, bởi mạch nước ngầm bị ô nhiễm.

Để khai thác vàng trái phép, các đối tượng thường sử dụng hóa chất độc hại để rửa vàng. Sau khi các đối tượng rút đi, để lại hiện trường những mẫu hóa chất. Phía sau tôi đây là những hố sâu có nhiều hóa chất độc hại. Những hóa chất này đang ngấm sâu xuống lòng đất. Ô nhiễm môi trường đang hiện hữu và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Quảng Nam sở hữu mỏ khoáng sản lớn nhưng đang khổ vì vàng. Địa phương đã huy động nhiều lực lượng truy quét nhưng vấn nạn vàng tặc vẫn nhức nhối. Nếu không có giải pháp căn cơ thì câu chuyện “vàng rơi - máu chảy” chưa biết khi nào có hồi kết. Việc quản lý các bãi vàng quá khó hay cơ quan chức năng Quảng Nam bất lực? Vấn đề này sẽ được THQH Việt Nam đề cập trong chương trình thời sự tiếp theo.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đoàn Nguyên -

Anh Khoa