Mỹ - Trung Quốc và cuộc đối đầu về chất bán dẫn

Tuần qua, Thượng viện, và sau đó là Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật “Chip và Khoa học” trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Dự luật chỉ còn chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành trong ngày một ngày hai.

Được lưỡng viện thông qua sau hơn 1 năm bàn bạc và thương thảo, dự luật được kỳ vọng sẽ giúp củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp tương lai, khi mà chất bán dẫn và các con chip nhỏ bé ngày càng giữ vai trò to lớn trong các ngành sản xuất công nghệ cao. Được coi là chiến thắng của các nhà lập pháp Mỹ, nhưng dự luật này lại nhận phải phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. 

 Ngày 29/7, sau khi dự luật được lưỡng viện Mỹ thông qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đăng tải tuyên bố trên trang web của cơ quan này. Cụ thể, Bộ này cho rằng, Đạo luật về Chip và Khoa học được Quốc hội Mỹ thông qua có các điều khoản hạn chế các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư bình thường của các công ty có liên quan tại Trung Quốc. Điều này sẽ làm sai lệch chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và làm gián đoạn thương mại quốc tế.

 Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng, ngay sau khi dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua.

 Ông TRIỆU LẬP KIÊN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Đạo luật Chip và Khoa học có mục đích nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của ngành công nghệ chip và khoa học của Mỹ. Tuy nhiên, một số điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác khoa học công nghệ bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc không tán thành điều này. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ phục vụ lợi ích của cả hai bên và thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Việc áp đặt các hạn chế và tìm cách tách rời sẽ chỉ gây tổn hại cho người khác và chính bản thân mình.”

PHÁT TRIỂN CHIP BÁN DẪN CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN CỦA MỸ

 Những con chip điện tử nhỏ bé là thành phần không thể thiếu để sản xuất hàng loạt sản phẩm, từ điện thoại thông minh đến thiết bị y tế.

Dự luật Chip và Khoa học cung cấp 52 tỷ USD dành cho sản xuất chất bán dẫn, 24 tỷ USD hỗ trợ tín dụng cho các nhà máy chip. Dự luật cũng sẽ cung cấp 200 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học để cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

Bên cạnh việc thông qua dự luật, Washington đã đưa ra đề xuất thành lập một cơ chế hợp tác mới bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) mang tên Chip 4 hoặc Fab 4, nhằm đối phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip bán dẫn.

Trong chuyến công du Châu Á vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lựa chọn nhà máy sản xuất chip Samsung Electronics là điểm đến đầu tiên khi tới Hàn Quốc.

Tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Kishida Fumio cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn.

Chiến lược dài hạn liên quan đến chất bán dẫn của Mỹ một lần nữa vấp phải phản ứng của Trung Quốc.

Bà SHU JUETING, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc: “Trung Quốc tin rằng mọi thỏa thuận hợp tác cần phải bao trùm và cởi mở chứ không phân biệt đối xử và mang tính độc quyền. Phải nhằm thúc đẩy sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, thay vì gây tổn hại và phân mảnh thị trường.”

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc tập trung vào dây chuyền sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm, với ưu thế về vốn và nhân lực, trong khi Mỹ có thế mạnh về thiết kế con chip, thiết bị sản xuất và sở hữu trí tuệ.

Anh Tuấn