• 3810 lượt xem
  • 06:43 08/05/2022
  • Văn hóa

Muôn màu cuộc sống: Người phụ nữ Đức nặng lòng với di sản Huế

Bà Andrea Teufel người phụ nữ ngoại quốc đã gắn bó với cố đô Huế gần hai thập kỷ. Bà chọn ở lại Huế vì tình yêu thiên nhiên, yêu di sản mộc mạc và chân tình như chính quê hương thứ hai của mình. Dấu ấn sâu đậm nhất của người phụ nữ Đức này không đơn thuần ở công tác trùng tu di sản Huế mà còn là lĩnh vực đào tạo.

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỨC NẶNG LÒNG VỚI DI SẢN HUẾ

Sẽ thật là một thiếu sót lớn khi không nhắc đến công trình Cung An Định, nơi ngay từ những ngày đầu tiên đã gắn bó với bà Andrea Teufel, hay còn được gọi thân mật là bà Bô Bô tại Huế. Trải qua khí hậu khắc nghiệt và biến thiên của lịch sử, 6 bức tranh tường và nhiều hoa văn đã ẩn sau lớp tường bị quét vôi dày ở lầu Khải Tường. Thông qua sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí hơn 372.000 euro của Bộ Ngoại giao Đức, bà cùng các cộng sự đã bắt tay vào phục chế thành công các bức tranh này.

Những tác phẩm ngủ vùi sau gần một thế kỷ nay đã hồi sinh. Bà chia sẻ, nếu không có tình yêu với di sản chắc sẽ không bao giờ làm được công việc này. 

Một lầu Khải Tường đã hồi sinh vẹn nguyên giá trị, mở ra một chân trời tri thức mới với những người Việt làm công tác bảo tồn di sản của cha ông mình.

Bà ANDREA TEUFEL, chuyên gia bảo tồn và phục hồi di sản: “Tại những nơi khác chỉ còn lại một vài di tích nhưng ở đây chúng ta có cả một thành phố, từ kiến trúc cảnh quan đến văn hóa. Điều này là rất hiếm hoi. Tôi nghĩ, tôi phải cống hiến tất cả những gì tôi có để giúp Huế gìn giữ những giá trị quý báu này. Và tất nhiên tôi có thể làm được vì chính phủ Đức đã hỗ trợ tôi thông qua chương trình Bảo tồn di sản văn hóa, cùng với các cơ quan đối tác của Việt Nam.”

Ông LÊ PHƯỚC TÂN, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: “Tôi là người đầu tiên của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được trực tiếp vừa học vừa làm tiếp thu công nghệ mới từ phía chuyên gia Đức trùng tu tranh tường tại cung An Định. Qua quá trình học, qua thực tế trên công trường, vừa học vừa làm chuyên ngành mới rất quan trọng với lĩnh vực trùng tu di tích của tôi và trung tâm, nhóm học viên Việt Nam đã lĩnh hội được những bài học quý để làm tốt công việc tại An Định và sau này vững tin hơn ở công việc tương lai.”

SỰ TƯƠNG ĐỒNG VỚI QUÊ HƯƠNG

Trong nhiều lần sẻ chia với bè bạn, đồng nghiệp, lý do lớn nhất bà Bô Bô gắn bó với Huế chính là nét tương đồng với thành phố quê hương, thành phố Postdam – Cộng hòa Liên bang Đức. “Bén duyên” với cung An Định từ năm 2003 đến nay, người phụ nữ này đã có mặt trên từng cây số với các dự án trùng tu di sản Huế như: điện Phụng Tiên, phục hồi cổng, bình phong Bửu Thành Môn (Lăng Tự Đức); phục hồi ngoại thất Tối Linh Từ (Đại Nội) và dự án Bảo tồn, phục hồi trang trí nội thất Tả Vu, Đại Nội Huế. Đây cũng là minh chứng sinh động cho sự hợp tác gắn bó giữa chính phủ Đức với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: “Rõ ràng, bà Bô Bô là môt đại sứ thiện chí, cầu nối củng cố sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Đức. Cái này kể ra dài dòng nhưng trong quá trình ấy bà đã kết nối nhiều tổ chức, đặc biệt là Đại sứ quán Đức đối với cả tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nói riêng.”

Dấu ấn sâu đậm nhất của người phụ nữ Đức này không đơn thuần ở công tác trùng tu di sản mà còn là lĩnh vực đào tạo. Hơn 50 học viên trong lĩnh vực này đã được lĩnh hội kinh nghiệm quý báu từ người chị, người thầy Bô Bô, để rồi họ sẽ trở thành những chuyên gia nòng cốt, tự tay bảo tồn và trùng tu di sản của ông cha mình. Đáng chú ý, năm 2018, công trình nghiên cứu bảo tồn áp dụng kỹ thuật các thiết kế nguyên bản, trong đó có kỹ thuật đã thất truyền từ lâu - vẽ fresco và vữa màu - đã được trao các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ.

Bà ANDREA TEUFEL, chuyên gia bảo tồn và phục hồi di sản: “Khi chuẩn bị vữa màu như thế này, chúng ta phải trộn các nguyên liệu dạng lỏng trước, gồm vôi và màu vôi nước, sau đó chúng ta mới tiến hành trộn các nguyên liệu khô như xi măng trắng – chỉ một ít để giúp bảo vệ màu. Hai loại cát khác nhau, bột đá và gì nữa nhỉ, cát vàng và bột cát. Điều quan trọng nhất là các bạn phải trộn các nguyên liệu dạng lỏng với nhau, cuối cùng mới trộn hai nhóm này với nhau.”

Anh NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH, học viên bảo tồn di sản: “Cô Bô Bô sang đây đào tạo cho những người trẻ như tụi em tiếp thu được những kiến thức rất mới mẻ, chuẩn xác theo quy chuẩn trùng tu của UNESCO. Sau này, mình sẽ phát triển, tiếp bước kỹ thuật để trùng tu phục hồi các công trình sau này. Cô Bô Bô là một người rất nghiêm túc và chuẩn mực, tỉ mỉ từng chi tiết, cố gắng dìu dắt nâng đỡ anh em để truyền đạt kiến thức mà cô có. Anh em rất vui khi được học hỏi, tiếp thu từ cô.”

Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế: “Những đóng góp của bà Bô Bô, chúng tôi đánh giá rất cao, rất quý báu. Trước hết, đó là tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Thứ hai, bà truyền lại một số kỹ thuật về trùng tu ở trình độ chuyên môn rất cao. Những công trình bà trùng tu tuy quy mô không lớn nhưng để lại dấu ấn đậm nét và giữ lại tinh thần công trình qua thăng trầm lịch sử. Thứ nữa là bà cũng hướng đến sự giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu di sản.

TÔI MUỐN Ở ĐÂY CẢ ĐỜI

Đã trót yêu Huế, người phụ nữ Đức và người chồng của mình, ông Leo, đã chọn ở lại tại một căn nhà nhỏ nằm ven sông Hương. Ở đó, họ có thể say sưa ngồi bên nhau hàng giờ để bàn về di sản, thiên nhiên và văn hóa Huế.

Chồng bà chính là người giúp bà giữ mọi thăng bằng trong cuộc sống, kể cả khi áp lực công việc xô bồ ở thế giới bên ngoài.

Bà ANDREA TEUFEL, chuyên gia bảo tồn và phục hồi di sản: “Tôi muốn ở lại đây lâu dài không chỉ vì ngôi nhà này mà còn vì thành phố Huế xinh đẹp. Tôi hy vọng Huế chấp nhận tôi và cho tôi cơ hội ở lại lâu hơn. Đây không chỉ là quyết định của riêng tôi mà còn là quyết định của cơ quan chức năng nữa. Nhưng với bản thân, tôi rất hạnh phúc khi ở đây và nếu tôi có thể ở cả đời thì thật là sung sướng.”

Thú vui lớn nhất của bà Bô Bô vẫn là nghệ thuật. Bà yêu thích hội họa từ bé và vẫn dành hàng giờ để vẽ duy nhất một thể loại chân dung, vẽ người chồng của mình. Ở đó, bà tìm thấy sự bình yên và nguồn động lực để thêm gắn bó với vùng đất mà mỗi góc đều chứa đựng sự bí ẩn. Chồng bà - ông Leo luôn hiểu nguồn năng lượng bất tận mà mình có thể dành cho vợ, đôi khi chỉ ở việc ngồi làm mẫu.

Vào mỗi dịp cuối tuần hay khi cần hội ý công việc, những người bạn lại tìm đến nhà của bà Bô Bô. Ở đó, bà chia sẻ thêm cả niềm đam mê gốm sứ cổ của mình, bởi  trong đó là hàng ngàn câu chuyện về văn hóa, lịch sử, được các bàn tay nghệ nhân gom lại và thổi hồn vào đất, dựng nên những sản phẩm tinh hoa. Cứ thế, hai mươi năm trôi qua, bà Bô Bô gắn bó với Huế bằng cuộc sống bình dị, mộc mạc như chính người dân nơi đây.

Người ta bảo “Khi ta đi chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Câu nói đó có lẽ rất đúng với bà Bô Bô – một người đã chọn và nguyện ước ở lại Huế. Bà đang ấp ủ dự án trùng tu, phục chế ở tầng 3 cung An Định – nơi những bức tranh tường vẫn còn ẩn sâu dưới những lớp vôi dày. 

Để thực hiện nguyện ý trên, người phụ nữ này mong được sự chấp thuận của cơ quan chức trách Việt Nam trong những ngày tháng sắp tới. Câu chuyện đam mê bảo tồn di sản của bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai đến với Huế bằng một tình yêu tha thiết nhưng cũng rất đỗi thân thương này.

Lê Quang