• 1416 lượt xem
  • 04:31 18/09/2022
  • Xã hội

Một ngày làm việc của những "Bảo mẫu" linh trưởng tại Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương

Là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở Việt Nam, có số lượng các loài linh trưởng lớn nhất ở Đông Nam Á, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đã và đang là địa chỉ đỏ trong công tác cứu hộ, bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm như Voọc mông trắng Cúc Phương, Voọc Cát Bà, Voọc Hà Tĩnh và Voọc chà vá chân xám.

Để có thể bảo tồn các nguồn gene quý, không thể không kể đến những “bảo mẫu” rừng già, những cán bộ, nhân viên của Trung tâm khi ngày đêm gắn bó, tâm huyết chăm sóc, nuôi dưỡng thú linh trưởng. 

Mỗi ngày, nhân viên phải đi hái 400kg lá thuộc hơn 100 loài cây, phục vụ bữa ăn của 180 con linh trưởng thuộc 14 loài. Nhiêu loài chỉ ăn vỏ, nhựa cây hay ăn thêm các khẩu phần như bưởi, ngô, khoai lang, bí đỏ, đu đủ.

Lá cây ăn không hết bắt buộc phải thay mới, mọi công đoạn chăm sóc đều phải đeo khẩu trang, thay dép, khử khuẩn khi tiêp xúc với linh trưởng.

Nhìn những con linh trưởng này, khó có thể nghĩ chúng từng trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang nhiều thương tích.

Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương, trong đó có Voọc chà vá chân nâu được tôn vinh là 'nữ hoàng' của các loài thú linh trưởng.

Hay Voọc Cát Bà, giống linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới, hiện chỉ còn 70 con, trong đó hơn 60 con đang sinh trưởng tại đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Chị ELKE SCHWIERZ, Quản lý chăm sóc động vật, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương: "Lúc cứu hộ về chăm sóc rất là vất vả, không phải là con vọoc bình thường, chỉ cho ăn lá đâu, lúc cứu hộ về thì rất ốm, bị bắt bằng bẫy nên bị thương, bị đau bụng đi ngoài, mình phải chăm sóc vất vả, một ngày 10 bữa cho ăn, cho uống nước bằng xi lanh."

Một ngày của bảo mẫu Elke - chuyên gia người Đức gắn bó với trung tâm đã 20 năm, là tất bật với công việc giám sát nhân viên cho thú ăn, khám bệnh, chăm sóc linh trưởng. Chính cái cách bận rộn, tận tâm trong công việc đã truyền cảm hứng cho gần 30 nhân viên về tình yêu động vật, trách nhiệm bảo tồn các loài gene linh trưởng quý hiếm.

Anh ĐỖ ĐĂNG KHOA, Điều phối viên Dự án bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương: "Chị Elke là 1 trong những tấm gương điển hình, người nước ngoài có cống hiến về lĩnh vực bảo tồn, chị ấy rất tâm huyết, gắn bó hơn 20 năm, chị ấy đã truyền cảm hứng cho các nhân viên để giúp chăm sóc động vật tốt hơn, và sau 1 thời gian, chúng đã phục hồi và được tái thả ra tự nhiên."

Chị ĐINH THỊ OANH, Nhân viên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương: "Từ lúc mất mẹ, các chị thay nhau chăm sóc nên nó coi chị như mẹ, nó ốm đau cũng lo lắm, nhiều lúc cảm giác nó như con của mình, cứ 1 tiếng rưỡi cho uống sữa 1 lần, 11h đêm cũng phải dậy, đi 2-3 cây số lên đây để cho nó uống sữa."

Bé Chíp đã 8 tháng tuổi, nặng 9 lạng đang được mẹ Oanh nuôi bộ. Chíp cũng chính là sản phẩm được nhân đàn, duy trì nguồn gene quý hiếm tại Trung tâm. Ít ai biết rằng để góp phần bảo tồn nguồn gene cho các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, những cán bộ, nhân viên ở đây đã dành cả thanh xuân của mình, có người gác lại hạnh phúc gia đình, tự nguyện bỏ phố vào rừng sinh sống. Mỗi người, mỗi cảnh nhưng đều chung một tình yêu đặc biệt dành cho các loài thú linh trưởng.

Nhiều linh trưởng con đã chào đời, minh chứng cho một môi trường sống tự nhiên, an toàn cũng như đóng góp của Trung tâm trong công tác bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Chị ELKE SCHWIERZ, Quản lý chăm sóc động vật, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương: "Tôi rất tự hào vì anh chị em trung tâm rất nhiều kinh nghiệm, hầu hết không có vườn thú nào trên thế giới nuôi con Vọoc con giỏi bằng mình, anh chị em ngày xưa chắc chắn không muốn học, nuôi động vật hoang dã, chỉ muốn kiếm việc gần nhà để có tiền để ăn, nhưng mấy anh chị em bây giờ rất giỏi, tôi đi vắng nhưng biết các anh chị em chăm sóc các con bé rất tốt, còn chăm sóc tốt hơn con của họ."

Ít nhất là 6 tháng đến 2-3 năm, các loài linh trưởng sau khi được chăm sóc, phục hồi sức khỏe, làm quen với môi trường nuôi thả bán tự nhiên sẽ được thả về tự nhiên. Tuy nhiên, trước khi được tái thả, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương chính là ngôi nhà an toàn và tin cậy với những “bảo mẫu” tận tâm, trách nhiệm, nỗ lực trong cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam.