Luật Cảnh sát cơ động: Nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là chống bạo loạn, khủng bố

Ngày 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Đây là dự án Luật đã nhận được 299 ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2; được Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 3 lần này.

Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị quy định, Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác có liên quan và dễ thực hiện, UBTVQH đã chỉnh lý Điều này theo hướng chỉ quy định những nhiệm vụ mang tính đặc thù đang thực hiện ổn định của CSCĐ trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh CSCĐ; quy định cụ thể hơn nhiệm vụ chính của CSCĐ là chống bạo loạn, chống khủng bố. 

Bên cạnh đó, Pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý khi các phương tiện như tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu do CSCĐ bảo vệ, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” trong quy định về Quyền hạn của Cảnh sát cơ động.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và vào chỗ ở của cơ quan, cá nhân, UBTVQH đã chỉnh lý lại, trong đó, việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.